Khi nhà máy trở thành điểm sống ảo: Dân công sở Trung Quốc đổ xô đi du lịch công nghiệp
09/06/25
Tạm rời xa những bãi biển đông đúc hay khu nghỉ dưỡng xa hoa, ngày càng nhiều người Trung Quốc – đặc biệt là giới công sở – đang tìm đến những địa điểm không ai nghĩ sẽ là điểm du lịch: các nhà máy. Từ nhà máy bia, xưởng robot đến phòng thí nghiệm dinh dưỡng, xu hướng du lịch công nghiệp (industrial tourism) đang âm thầm bùng nổ tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Từ hoàng tửu đến robot: Một kỳ nghỉ khác biệt
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua, Hu Sisi – 29 tuổi, nhân viên văn phòng tại thành phố Tô Châu – cùng ba người bạn đã quyết định “đổi gió” bằng cách ghé thăm Công viên Văn hóa Shazhou Youhuang tại Trương Gia Cảng (Giang Tô). Tại đây, họ tìm hiểu quy trình sản xuất hoàng tửu – loại rượu gạo truyền thống thường được hâm nóng khi uống – và thưởng thức các biến thể độc đáo như sữa, cà phê và sữa chua pha với hoàng tửu.
Không quên ghé cửa hàng lưu niệm, họ còn mua các phiên bản rượu ủ trong thùng whisky để làm quà tặng.
“Du lịch kết hợp học hỏi kiến thức là trải nghiệm hoàn toàn mới với tôi,” Hu chia sẻ. “Các sản phẩm ở đây không bán online, điều đó khiến tôi càng muốn mua hơn.”
Tăng trưởng mạnh và sự ủng hộ chính sách
Xu hướng này không hề nhỏ lẻ. Trung Quốc hiện đã có hơn 1.000 điểm du lịch công nghiệp được ghi nhận chính thức, trải dài từ các nhà máy thép trăm tuổi ở Đông Bắc đến những xưởng sản xuất xe điện tại miền Nam.
Một số điểm đến thậm chí vượt mặt cả danh lam thắng cảnh về lượng khách. Bảo tàng Bia Thanh Đảo tại tỉnh Sơn Đông ghi nhận hơn 1,8 triệu lượt khách trong năm ngoái – tăng 12,5% so với 2023.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, chính quyền Thượng Hải đã đưa phát triển du lịch công nghiệp vào kế hoạch phát triển ngành du lịch 3 năm, với trọng tâm là chuyển đổi nhà máy cũ thành điểm tham quan tương tác. Bắc Kinh cũng xây dựng các tuyến du lịch kết hợp phòng thí nghiệm xe tự lái, nhà máy robot và di tích lịch sử như Vạn Lý Trường Thành.
Du lịch nhưng cũng là marketing và giáo dục
Đối với những người trẻ như Jiang Zihan – 23 tuổi, sinh viên báo chí và nhà sáng tạo nội dung – các chuyến đi đến xưởng bánh hạnh nhân hay bảo tàng xì dầu Chubang tại Quảng Đông không chỉ giúp lan tỏa văn hóa mà còn khiến cô cảm thấy tin tưởng hơn vào thương hiệu.
“Bạn không chỉ nhìn, mà còn được nếm, được sờ và tham gia vào quy trình sản xuất. Chính điều đó giúp tôi hiểu sâu hơn và sẵn sàng mua sản phẩm,” Jiang nói.
Các doanh nghiệp cũng tận dụng xu hướng này để mở rộng thị trường. Tập đoàn Milkground tại Thượng Hải đã đầu tư xây dựng Nhà máy phô mai Kim Sơn, nơi khách tham quan có thể xem toàn bộ dây chuyền sản xuất qua vách kính, tham gia workshop phối vị phô mai và khám phá quy trình qua hoạt hình 3D. Đây là nỗ lực nhằm phổ cập phô mai – một sản phẩm vẫn còn khá mới với người tiêu dùng Trung Quốc.
Tương tác công nghệ: Tương lai của du lịch sản xuất
Một số địa điểm còn kết hợp công nghệ cao để gia tăng trải nghiệm. Nhà máy “trong suốt” By-health tại Chu Hải – chuyên về thực phẩm bổ sung – đã đón hơn 1,7 triệu lượt khách kể từ 2012. Nơi đây tích hợp hơn 60 trải nghiệm thực tế ảo, mô hình 3D và khu trưng bày công nghệ cao để giáo dục người dùng về dinh dưỡng.
“Giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng luôn có một bức tường vô hình. Minh bạch qua trải nghiệm thực tế là cách truyền thông hiệu quả nhất,” đại diện hãng cho biết.
Từ di sản công nghiệp đến không gian đô thị
Fang, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Thượng Hải, thường xuyên khám phá các điểm đến như xưởng đóng tàu Giang Nam, nhà máy Zhenhua Heavy Industries hay nhà máy sôcôla Zotter. Cô đặc biệt yêu thích quận Dương Phố nhờ “di sản công nghiệp mạnh và kiến trúc tái thiết mang đậm dấu ấn lịch sử đô thị”.
Trong khi đó, chị Du – 30 tuổi, làm việc trong ngành tài chính – đã đến thăm các nhà máy của BMW, Volvo và phòng thí nghiệm robot. “Được trực tiếp quan sát, thao tác đơn giản trên dây chuyền khiến trải nghiệm ấn tượng hơn hẳn những tour du lịch thông thường,” chị nói.
Theo chị Du, điều khiến du lịch công nghiệp nổi bật là “cảm giác như bước vào tương lai”, đặc biệt tại các khu sản xuất robot hay nhà máy công nghệ cao.
shared via sixthtone,