Bí ẩn trứng đắt đỏ: Khi các 'ông trùm' di truyền học thao túng nguồn cung toàn cầu
05/04/25
Trong phần hai của loạt điều tra "Âm mưu trứng", chúng ta bước vào thế giới gần như vô hình đối với công chúng: ngành di truyền học gà đẻ trứng. Đây chính là mắt xích then chốt bị thao túng bởi hai tập đoàn châu Âu bí ẩn: EW Group và Hendrix Genetics — những cái tên đang kiểm soát gần như toàn bộ nguồn cung gà mái công nghiệp trên toàn cầu.
Từ giấc mơ gà đẻ... đến cơn ác mộng thị trường
Trong suốt thế kỷ 20, nước Mỹ là thiên đường của bữa sáng giá rẻ với món trứng chiên. Mô hình sản xuất trứng kiểu New Deal (do Bộ trưởng Nông nghiệp Henry Wallace khởi xướng năm 1940) từng giúp nước Mỹ đạt thặng dư trứng khổng lồ. Mấu chốt là hệ thống sản xuất phân mảnh, thị trường cạnh tranh (và luật chống độc quyền nghiêm ngặt), dựa vào hàng ngàn trại gà, các viện nghiên cứu công lập và một ngành di truyền gà năng động với hàng chục nhà lai tạo độc lập.
Tuy nhiên, từ thập niên 1980, làn sóng tự do hóa và hợp nhất đã làm thay đổi mọi thứ. Dưới thời tổng thống Reagan, với triết lý "doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp hiệu quả", và sau đó là Clinton, các quy định chống độc quyền bị nới lỏng, tạo điều kiện cho làn sóng tập trung hóa bùng nổ trong mọi ngành - từ ngân hàng, bán lẻ cho đến... trứng. Hệ quả? Hai công ty: Erich Wesjohann Group (EWG, Đức) và Hendrix Genetics (Hà Lan) đã âm thầm thống trị chuỗi di truyền gà mái đẻ trên toàn cầu.
![]() |
EW Group là tên của tỷ phú di truyền gà Erich Wesjohann. Tòa nhà bình dị này được giới thiệu trên trang web của tập đoàn, có lẽ là trụ sở chính của tập đoàn. |
Hồ sơ hai ông trùm: EWG và Hendrix
EW Group (Đức) là tập đoàn gia đình do tỷ phú Erich Wesjohann sáng lập, hiện nắm giữ mạng lưới con cháu trong lĩnh vực di truyền, vắc xin và dinh dưỡng gia cầm. Hendrix Genetics (Hà Lan) cũng là một tập đoàn gia đình lâu đời, tăng trưởng nhanh nhờ dòng vốn từ các quỹ tư nhân như Sofiprotéol, NPM Capital và Paine Schwarz.
Từ năm 1987 đến những năm 1990, EWG đã thâu tóm bốn nhà lai tạo lớn nhất ở Mỹ và châu Âu, chiếm tới 70% thị phần. Hendrix nhanh chóng gom nốt phần còn lại, nâng tổng kiểm soát của cả hai lên hơn 90% thị trường toàn cầu về gà mái đẻ.
Không chỉ thâu tóm đối thủ, hai “ông trùm” này còn độc quyền hóa kiến thức chuyên môn bằng sáng chế, bản quyền, bí mật thương mại, giữ bí mật công nghệ lai tạo, khóa chặt các thông tin di truyền, và hạn chế mọi hình thức cạnh tranh – ép buộc các trại ấp trứng ký hợp đồng phân phối độc quyền. Những thay đổi này triệt tiêu các đối thủ tiềm năng, kể cả một “kẻ nổi loạn” từng gây tiếng vang như Novogen.
Biến độc quyền thành đòn bẩy siêu lợi nhuận
Trước đây, các trường đại học công lập Mỹ giữ vai trò nghiên cứu và phổ cập kỹ thuật lai tạo giống. Nhưng đến thập niên 1990, dưới thời Clinton, ngân sách cho nghiên cứu công bị cắt hoàn toàn. Khi tri thức bị tư nhân hóa, mọi quyền lực di truyền rơi vào tay EWG và Hendrix.
Kết quả: ngành bị trì trệ. Tổng chi R&D chỉ đạt 16-20 triệu USD/năm – tức chỉ 5 xu cho mỗi 100 USD doanh thu. Hệ gene gà đa dạng từng tồn tại bị loại bỏ dần sau mỗi vụ sáp nhập.
Trại ấp trứng: Mắt xích then chốt bị khống chế
Dù kiểm soát gene gà, EWG và Hendrix vẫn còn phụ thuộc vào các trại ấp độc lập để nhân giống và phân phối gà con. Nhưng từ năm 2010, mọi thứ thay đổi. Hendrix, với vốn PE hậu thuẫn, bắt đầu mua lại các trại ấp lớn như PennOVO (24 triệu gà con/năm) và Midwest Foods (19,2 triệu gà con/năm). Sau đó, họ cắt đứt hợp đồng với các trại ấp đối tác và chuyển sang tự phân phối gà con.
Điều này gọi là tích hợp dọc – kiểm soát cả sản xuất lẫn phân phối – và được các nhà hoạch định chính sách thời đó xem là "hiệu quả". Trên thực tế, nó khiến các trại ấp độc lập bị triệt tiêu, thị trường bị khóa.
Đến năm 2022, EWG thâu tóm luôn Novogen – đối thủ cạnh tranh cuối cùng. Lúc này, 90% gà mái thương phẩm trên thế giới (trừ Trung Quốc) đều do hai tập đoàn này lai tạo hoặc cung ứng.
Cú siết kín: kiểm soát cả số lượng lẫn thời điểm cung ứng
Kể từ năm 2022, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, thay vì tăng cung gà con để bình ổn giá, các trại ấp (giờ thuộc EWG và Hendrix) lại giảm đàn gà mái mẹ từ 3,1 triệu (2021) xuống còn 2,5 triệu (2024). Việc ấp trứng cũng giảm hoặc không tăng, bất chấp số lượng trứng thụ tinh được sản xuất cao hơn.
Đáng nói, điều này trái ngược với cách ngành phản ứng trong dịch cúm 2015 và 1983-84. Khi đó, các trại ấp tăng mạnh sản lượng gà con từ 10-31% mỗi tháng, giúp giá trứng hạ nhiệt nhanh chóng.
Lần này, không hề có sự phục hồi. Số lượng trại ấp có khả năng nhân giống gà bố mẹ giảm từ 299 (2015) xuống còn 262 (2024). Trong khi đó, EWG và Hendrix liên tục tăng doanh thu:
EWG Bắc Mỹ: Từ 492 triệu euro (2015-16) lên 1,26 tỷ euro (2021-2022).
Hendrix: Tăng từ 116 triệu euro (2015) lên 254 triệu euro (2023) ở mảng di truyền học trứng, phần lớn nhờ vào thị trường Mỹ.
Điều này chứng tỏ: doanh thu tăng không nhờ sản lượng, mà do giá bán ngày càng cao. Một kịch bản hoàn hảo cho thế độc quyền.
Thị trường bị bóp méo: Khi nguồn cung bị chủ động kìm hãm
Hành vi của EWG và Hendrix phản ánh một chiến lược rõ ràng: giữ nguồn cung gà mái ở mức thấp để giá trứng cao ổn định, tạo ra lợi nhuận vượt trội. Các công ty nhỏ, không thể tiếp cận nguồn giống, bị loại khỏi cuộc chơi. Ngành chăn nuôi trứng không còn là nơi cạnh tranh mà là sân chơi của hai “ông trùm” thao túng toàn cầu.
Những gì đang diễn ra chính là bài học kinh điển về tác hại của độc quyền trong chuỗi cung ứng. Càng ít người chơi, càng dễ cấu kết. Và trong thế giới của trứng, EWG và Hendrix đã biến tình trạng thiếu hụt thành công cụ để đẩy giá và lợi nhuận lên đỉnh.
Đằng sau mỗi quả trứng là một cuộc chơi quyền lực
Giá trứng leo thang không chỉ vì dịch bệnh hay chi phí. Đó là hệ quả của ba thập kỷ tập trung hóa chuỗi cung ứng – từ di truyền đến phân phối. Khi thị trường không còn vận hành theo quy luật cung cầu, mà bị thao túng bởi các tập đoàn xuyên quốc gia, dù là ngành hàng đơn giản như trứng cũng có thể trở thành biểu tượng cho một nền kinh tế bị bóp méo vì độc quyền.
Nếu EWG và Hendrix nắm quyền lực ở đầu chuỗi cung (giống gà), thì Cal-Maine – tập đoàn sản xuất trứng lớn nhất nước Mỹ – là kẻ kiểm soát đầu ra. Ở phần cuối của loạt bài, chúng ta sẽ bóc trần mảnh ghép cuối cùng, Cal-Maine Foods – "Ả rập Saudi" của ngành trứng Mỹ, khám phá cách Cal-Maine trở thành “nhà nước trứng” trong lòng nước Mỹ – và lý do vì sao Bộ trưởng Nông nghiệp phải... đàm phán với họ như thể đang nói chuyện với OPEC.
shared via big,