Jonathan Swift, người tiên phong về tài chính vi mô
16/08/24
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết rằng người đầu tiên tham gia vào hoạt động tài chính vi mô hiện đại không ai khác chính là Jonathan Swift, tác giả của Gulliver du ký.
Swift đã tiên phong trong việc xây dựng hệ thống 'quỹ cho vay' tồn tại hơn một thế kỷ, và vào thời kỳ đỉnh cao, nó đã cung cấp tín dụng cho gần một phần năm dân số Ireland. Ngạc nhiên thay, chỉ có số ít người biết đến câu chuyện này, ngay cả ở Ireland.
Các quỹ cho vay của Ireland
Jonathan Swift là người Anh gốc Ireland từng giữ chức Trưởng Tu viện Thánh Patrick của Dublin, đồng thời là nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng rộng rãi với các bài viết sắc sảo phác họa bức tranh đa chiều về nền kinh tế và xã hội đương thời. Swift đã nổi tiếng trước khi cuốn Gulliver du ký được xuất bản năm 1726, cuốn sách này càng tăng thêm danh tiếng của ông trên khắp châu Âu. Gulliver du ký là cuốn sách kỳ lạ, châm biếm nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm cả những câu chuyện du ký bị thổi phồng quá mức của thời bấy giờ. Không có gì ngạc nhiên khi suốt 300 năm qua, tác phẩm này vẫn là nguồn cảm hứng cho giới phê bình văn học, cũng như một bộ phim hài hước đến ngớ ngẩn với sự góp mặt của Jack Black. Ba năm sau thành công của Gulliver du ký, Swift cho xuất bản Một đề xuất khiêm tốn – một tiểu luận châm biếm sâu cay. Trong đó, ông đề xuất một giải pháp “táo bạo” cho nạn đói nghèo ở Ireland, rằng người nghèo nên bán con cái họ làm thức ăn cho người Anh. “Thịt trẻ con”, ông viết, sẽ “là món khoái khẩu cho các địa chủ, những kẻ vốn đã ăn gần hết cha mẹ chúng dường như có quyền sở hữu chúng nhất.”
Thông qua doanh thu từ sách và nhờ vị trí Trưởng Tu viện, Swift đã tích lũy được khối tài sản đáng kể – một phần trong đó ông muốn dùng để giúp đỡ người nghèo. Vào những năm 1720, Swift đã lập ra một quỹ với 500 bảng Anh từ tiền túi và bắt đầu cho vay không lãi suất với số tiền từ 5 đến 10 bảng, đặc biệt nhắm đến "những thợ thủ công nghèo nhưng siêng năng." Quỹ của Swift có hai đặc điểm nổi bật khiến nó gần như giống hệt với cấu trúc tài chính vi mô hiện đại. Đầu tiên, người vay được yêu cầu trả góp một phần hàng tuần. Thứ hai, để nhận được khoản vay từ Swift, bạn phải có chữ ký của hai người quen biết bạn và chứng thực cho nhân phẩm của bạn. Tài liệu chính về các khoản vay này đến từ một cuốn tiểu sử do con đỡ đầu của ông, Thomas Sheridan, viết. Sheridan nói đó là một "nguyên tắc" của Swift rằng, nhờ cơ chế đồng ký kết này, "bất kỳ ai được láng giềng biết đến là người trung thực, có lý trí và siêng năng, sẽ dễ dàng tìm được sự đảm bảo như vậy; trong khi những kẻ lười biếng và phóng đãng sẽ bị loại trừ bằng cách này.” Hệ thống đã thành công: do tỷ lệ hoàn trả cao, Sheridan cho biết Swift hầu như không bị mất vốn cá nhân. Điều này xảy ra ngay cả khi các khoản vay không yêu cầu tài sản thế chấp. Đáng chú ý nữa là, Swift đã sử dụng hệ thống tòa án, khởi kiện cả người vay và người bảo lãnh nếu họ không trả nợ.
Vào thời của Swift, việc cho vay với lãi suất ưu đãi từng được thiết lập ở Anh như một hình thức từ thiện và điều này có lẽ đã gợi ý cho ông. Ý tưởng này không đơn giản như ta nghĩ: sau nhiều thế kỷ bị tôn giáo lên án vì tội cho vay nặng lãi, việc tạo điều kiện cho người dân dễ dàng vay nợ hơn lại có thể là giải pháp hiệu quả cho nạn đói nghèo. Ta có thể coi như Swift đang cố gắng cải tiến mô hình “hội thân thiện” trước đó, một nhóm tương trợ lẫn nhau cung cấp các dịch vụ bao gồm cho vay và bảo hiểm. Trước khi có hệ thống phúc lợi xã hội, các hội thân thiện đóng vai trò rất quan trọng; năm 1905, có tới 30.000 hội thân thiện riêng biệt ở Anh, với 14 triệu thành viên.
Những tấm lòng nhân ái khác ở Ireland cũng được truyền cảm hứng từ tấm gương của Swift. Hai năm sau khi ông qua đời, năm 1747, Hiệp hội Âm nhạc Dublin đã thành lập một quỹ cho vay, trong đó tiền thu được từ các buổi biểu diễn sẽ được cho vay ‘giống với hệ thống của Trưởng Tu viện Swift.' Dự án tín dụng này dần trở thành trọng tâm của Hiệp hội: đến cuối những năm 1760, nó đã cung cấp khoản vay cho hơn 5.000 người. Lưu ý rằng những khoản vay không lãi suất này thực chất là một hình thức trợ cấp cho người nghèo, nhất là trong bối cảnh lạm phát. Mặc dù dự án của Hiệp hội Âm nhạc cuối cùng đã lụi tàn, nhưng nó đã truyền cảm hứng cho nhiều dự án tương tự khác.
Các quỹ cho vay ở Ireland bắt đầu mở rộng quy mô đáng kể từ sau năm 1823, khi Quốc hội thông qua Đạo luật về Quỹ Cho vay Từ thiện (Ireland). Đạo luật này cho phép các quỹ thu lãi và miễn thuế tem cho họ. (Thông thường, cần phải trả thuế tem để hiệu lực hóa hợp đồng trước Thẩm phán Hòa giải, thay vì qua tòa án chậm chạp hơn của các phiên họp hằng quý.) Quy định mới đã đem lại cho các quỹ cho vay lợi thế lớn so với các tổ chức cho vay thương mại chưa trả thuế.
Một lý do khác khiến đạo luật này được thông qua là Ireland đã trải qua nạn đói khoai tây vào năm trước đó, và việc mở rộng tín dụng được coi là một hình thức hỗ trợ phục hồi. Mọi người đều biết về Nạn đói Lớn bắt đầu vào năm 1845; ít người biết về những nạn đói khoai tây trước đó (mặc dù ít gây chết chóc hơn) trên khắp Ireland, bao gồm cả năm 1822. Một số quỹ cho vay được vận hành trên cơ sở từ thiện, trong khi những quỹ khác tạo ra lợi nhuận. Mô hình phi lợi nhuận đặc biệt phổ biến trong làn sóng các quỹ mới vào những năm 1820. Một quỹ cứu trợ có trụ sở tại London dành cho nạn đói năm 1822 đã trao tặng ‘Quỹ Cho vay Tái tạo’ 55.000 bảng Anh, tài trợ cho 100 quỹ mới –nhà quản lý của những quỹ này bị cấm nhận 'bất kỳ khoản lương, phụ cấp, lợi nhuận hay lợi ích nào.'
Mặc dù nhiều ngân hàng bắt đầu mở cửa ở Ireland sau các đợt tự do hóa tài chính vào những năm 1820, nhưng chủ yếu vẫn là các tổ chức dành cho người giàu. Trong cuốn sách lịch sử kinh tế của mình về Ireland, Cormac Ó Gráda mô tả hoạt động ngân hàng Ireland trong thời kỳ này gần như chỉ giao dịch với nhóm 1/3 dân số giàu có nhất. Khi các ngân hàng cố gắng thâm nhập vào thị trường cho vay nhỏ lẻ dành cho người nghèo, họ thường thiếu kiến thức địa phương và cơ chế thực thi cộng đồng vốn tạo nên sự khác biệt của các quỹ cho vay. Một số thuật ngữ miệt thị cũng chứng minh do danh tiếng thấp của những người cho vay nặng lãi ở Ireland vào thời điểm đó, họ bị gọi là ‘mealmongers’ (tạm dịch: những kẻ buôn bột mỳ) hoặc ‘gombeenmen’ (thuật ngữ này phát triển thành từ tiếng Ireland hiện đại ‘gombeen man’, tức là bọn tham nhũng).
Những quy định bổ sung về quỹ cho vay đã được thông qua vào các năm 1836 và 1838. Các đạo luật này đã thiết lập Hội đồng Quỹ Cho vay với nhiệm vụ thu thập thông tin về các quỹ cho vay và phổ biến kiến thức về những phương thức hoạt động tốt nhất. Nó cũng cung cấp cho người gửi tiền thêm thông tin về khả năng tín dụng, khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn. Số lượng các quỹ cho vay tăng đột biến sau khi Hội đồng được thành lập.
Vào thời kỳ đỉnh cao, những quỹ này đã cung cấp khoản vay cho hơn một phần năm số hộ gia đình ở Ireland – một tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại. Đầu những năm 1840, số lượng các quỹ cho vay gấp đôi số chi nhánh ngân hàng. Sự khác biệt duy nhất giữa quỹ cho vay này và hệ thống của Swift là người vay phải trả lãi. Vì các khoản tiền gửi lớn đương nhiên chiếm phần lớn tổng số tiền gửi, nên các quỹ cho vay vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị tiền gửi: từ những năm 1830 đến 1840, quỹ cho vay tăng từ 2% lên 5% so với mức tổng tiền gửi ngân hàng.
Lời giải thích nhân đạo về cách chính phủ đối xử với các quỹ cho vay đó là họ đang giúp người nghèo tự giúp mình. Cho đến năm 1838, Ireland không có quy định nào tương đương với Luật Người nghèo của Anh, vốn đã có từ thời Elizabeth. Tầng lớp thượng lưu và trung lưu phản đối mức tăng thuế cần thiết để tạo ra một nhà nước phúc lợi dù chỉ ở mức tối thiểu.
Một cách khác để thể hiện tính hiện đại của các quỹ cho vay chính là cho phụ nữ vay tiền – một thông lệ mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Phụ nữ chiếm một phần năm số người đi vay từ các quỹ cho vay, phần lớn trong đó đều chưa lập gia đình. Tỷ lệ cho vay trực tiếp cho phụ nữ cao là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của tài chính vi mô; 97% người vay từ Ngân hàng Grameen là phụ nữ. Mặc dù tỷ lệ một phần năm còn xa mới đạt được sự cân bằng giới tính, nhưng chắc chắn là một cải tiến so với các ngân hàng truyền thống, xét về khía cạnh này.
Sự suy tàn của các quỹ
Sau khi đạt đỉnh vào năm 1843, các quỹ cho vay ở Ireland bắt đầu suy giảm đáng kể. Một lý do là do Nạn đói Lớn, diễn ra sau nạn dịch bệnh khoai tây vào năm 1845. Tỷ lệ trả nợ giảm mạnh, và nhiều người trong số một triệu người di cư sau nạn đói đã rời đi khi vẫn còn đang mắc nợ. Một lý do khác là do luật mới: vào năm 1843, Đạo luật về các Quỹ Cho vay đã hạ mức trần lãi suất của các quỹ từ 13,6% xuống còn 8,8%.
Các nghị sĩ Ireland và những người am hiểu về hệ thống quỹ cho vay gần như nhất trí phản đối luật này. Các tờ báo Ireland nhìn chung cũng phản đối sự thay đổi này; tờ Freeman’s Journal viết rằng: “Chúng tôi không nghĩ người vay sẽ được hưởng lợi nhiều, nhưng chúng tôi cho rằng số tiền gửi sẽ giảm do sự tác động của việc giảm [lãi suất].” Đạo luật này có thể đã không được thông qua nếu có một cuộc tranh luận thích đáng tại Nghị viện, nhưng nó đã được thông qua vội vàng như một hình thức ‘dọn dẹp' với chưa đến 40 nghị sĩ có mặt tham gia bỏ phiếu.
Mức trần lãi suất có lẽ không xuất phát từ mong muốn ngăn chặn cho vay nặng lãi hay bất kỳ lập luận thông thường nào về việc kiểm soát giá cả. Các ngân hàng và tổ chức cho vay khác vẫn được phép tính lãi suất cao hơn nhiều so với mức 9%. Động lực lớn hơn có thể là do ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của các ngân hàng, vốn đã bị bất ngờ bởi mức độ cạnh tranh mà họ phải đối mặt từ các quỹ cho vay trong thị trường tiền gửi vừa và nhỏ. Người duy nhất bảo vệ Đạo luật trong quốc hội, John Young, vốn là giám đốc của Ngân hàng Ireland.
Thật là một nghịch lý đen tối của lịch sử khi đạo luật tàn phá một trong những dịch vụ tài chính chủ yếu cho người nghèo ở Ireland lại được thông qua hai năm trước khi Nạn đói Lớn xảy ra. Dự luật năm 1843 hoàn toàn trái ngược với các luật trước đó, tất cả đều nhằm khuyến khích các quỹ cho vay ở Ireland.
Số lượng quỹ cho vay ở Ireland đã giảm từ mức cao nhất khoảng 300 vào năm 1843 xuống còn 50 vào năm 1916. Báo cáo chính thức cuối cùng về các quỹ cho vay được công bố năm 1914. Nó vẽ lên một bức tranh ảm đạm về lượng nhỏ vốn thừa kế, với các nhà quản lý và thành viên ủy ban thờ ơ. Việc trả nợ hằng tuần đã trở thành thanh toán mỗi tháng một lần hoặc thậm chí kéo d hơn.
Sự bền bỉ của các quỹ cho vay thật sự ấn tượng: chúng đã cung cấp tín dụng cho người nghèo suốt hơn một thế kỷ, trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô và di cư thường xuyên. Một vấn đề muôn thuở đối với các quỹ này là sự lựa chọn ngược: vì không yêu cầu tài sản thế chấp, những người tìm kiếm khoản vay theo một cách nào đó đã bị lựa chọn tiêu cực. Do hồ sơ lưu trữ yếu kém và bộ máy quan liêu, ngay cả việc quản lý các quỹ cũng trở thành thách thức. Hồ sơ tòa án mô tả các trường hợp bị bác bỏ đôi khi chỉ vì không thể chứng minh được liệu người vay có phải là người đã ký hợp đồng không.
shared via sam enright,