Tọa đàm "AI SUMMIT 2024" - Sóng thần công nghệ và thách thức lớn nhất thế kỉ 21
Chiều ngày 15.03.2024, Công ty cổ phần Xuất bản Khoa học & Giáo dục Thời Đại (TIMES) cùng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) đồng tổ chức buổi tọa đàm "AI SUMMIT 2024: Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo và thách thức lớn nhất thế kỷ 21" tại Khách sạn Adonis, Hà Nội.
Tham dự sự kiện có các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của một số bộ ban ngành, các tổ chức nghề nghiệp: ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam; ông Trần Việt Hùng nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ông Phan Đức Trung Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Đỗ Ngọc Quỳnh Tổng thư kí Hiệp hội Thị trường trái phiếu, bà Nguyễn Vân Hiền Tổng thư kí Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Đào Trung Thành Phó viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII)… và các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực công nghệ, giáo dục, truyền thông, kinh doanh…: TS. Nguyễn Xuân Phong Hiệu phó Đại học FPT, TS. Giáp Văn Dương Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School, TS. Phạm Sỹ Thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chiến lược Trung Quốc, bà Phạm Quỳnh Dương Hiệu trưởng Unischool… nhằm bàn về quá trình tiến triển của công nghệ, khám phá sự tiến bộ nhanh chóng của AI cũng như công nghệ sinh học tổng hợp và cách hai công nghệ này định hình tương lai của thế giới; đồng thời thảo luận về những thách thức đạo đức mà AI mang lại và cách chúng ta có thể định hình các nguyên tắc quản lý nó.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Huây nêu rõ về những thách thức mà AI mang lại, đồng thời nhấn mạnh làn sóng công nghệ mới có thể là cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm
ông Trần Việt Hùng nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
Mở đầu tọa đàm, ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) thuyết trình về lịch sử phát triển của AI, các cơ hội và vấn đề mà AI đang đặt ra cho xã hội hiện nay. Ông nhấn mạnh thông điệp: “AI sẽ không thay thế bạn mà người sử dụng AI sẽ thay thế bạn".
Trí tuệ nhân tạo không chỉ có mặt tích cực
Chia sẻ tại sự kiện, dịch giả Vũ Hoàng Linh cho rằng đã có khá nhiều cuốn sách nói về trí tuệ nhân tạo, về vai trò cũng như cơ hội nó tạo ra cho các ngành nghề, hoạt động kinh doanh, cho xã hội, nhưng ấn phẩm của Mustafa Suleyman và Michael Bhaskar có nhiều khác biệt.
"Tôi nghĩ rằng cuốn sách không chỉ nói về những thành tựu mà cả thách thức công nghệ đem lại trong thế kỷ 21, về việc làm thế nào để kiềm chế những thách thức đó", anh nói.
Theo dịch giả Vũ Hoàng Linh, con người đã chứng kiến nhiều cột mốc trong sự thay đổi, phát triển công nghệ như sự xuất hiện của điện, Internet nhưng làn sóng lần này, nổi bật là trí tuệ nhân tạo, mang đến tác động còn mạnh mẽ hơn. Ngoài những mặt tích cực đem lại, nó còn có cả khả năng gây hại, trở thành công cụ cho những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu.
Dịch giả Vũ Hoàng Linh và Sơn Phạm (từ phải sang) tại sự kiện.
"Tác giả cuốn sách cũng nhìn ở khía cạnh sâu hơn là sự chênh lệch giữa quyền kiểm soát công nghệ, sự khác biệt, bất cân xứng giữa công chúng - những người chiếm đa số không có khả năng nắm được công nghệ, sử dụng công nghệ - và một số ít người làm được điều đó.
Điều đó dẫn đến nhiều vấn đề, thứ nhất là lợi ích của công nghệ này có được lan truyền cho mọi người một cách đồng đều hay không, hay nó sẽ tạo ra một xã hội trong tương lai chỉ có hai loại người, hai tầng lớp một là nắm được công nghệ, làm chủ công nghệ và thành phần khác là những người không có sự kiểm soát đó".
Dịch giả Sơn Phạm - đồng sáng lập, giám đốc Công ty cổ phần Times Business Việt Nam (Timesbiz - công ty con trong hệ sinh thái Times Corp, chuyên về dòng sách kinh tế, kinh doanh, tài chính, đầu tư) - nêu ví dụ về việc AI, với công nghệ deep-fake, bị lợi dụng để bôi nhọ đối thủ trong tranh cử, tác động tới kết quả bầu cử (không kịp đảo ngược), từ đó tác động tới các chính sách kinh tế, tài khóa, xã hội… Điều đó có thể ảnh hưởng tới mọi người dân, hay việc “dân chủ hóa công nghệ” khiến những kẻ cuồng tín cũng nắm được công nghệ sinh học tổng hợp, tạo ra những “mầm bệnh nhân tạo” gây chết chóc nhiều nghìn người... Chính vì vậy, trong cuốn sách, tác giả có nhắc tới vấn đề “phải kiềm tỏa được” làn sóng công nghệ sắp tới.
Đồng quan điểm về những khía cạnh khác nhau mà làn sóng công nghệ, nổi bật là AI, đem lại, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam - cho rằng AI không đáng sợ nhưng cần xây dựng cơ chế luật pháp nhanh chóng, phù hợp để quản lý.
ông Đào Trung Thành và ông Phan Đức Trung đồng chủ tọa phiên thảo luận.
Con người đối diện làn sóng công nghệ
Nhìn nhận ở khía cạnh người làm giáo dục, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho rằng những công nghệ như AI sẽ tạo ra thay đổi rất lớn về ngành nghề, trở thành bài toán đối với các trường đại học.
"Với tốc độ phát triển công nghệ như trước đây, người ta thường nói 2 năm sau khi ra trường, kiến thức có thể đã cũ. Tuy nhiên bây giờ, có thể nói ngay từ khi học sinh mới bước chân vào trường đại học, ngành đề đó đã biến mất hoặc chuyển đổi sang một thứ gì đó hoàn toàn khác", ông nói,
Ông Phong cũng đề cập đến việc ứng dụng AI trong đào tạo, cho rằng tương lai của giáo dục cũng phải chuyển đổi dần dần.
Bàn luận phần nào về định hướng, giải pháp để con người đối diện làn sóng công nghệ đang thay đổi từng ngày, từng giờ cũng là một trong những ý được các tác giả đề cập trong ấn phẩm Sóng thần công nghệ.
dịch giả Vũ Hoàng Linh + Sơn Phạm, và ông Đào Trung Thành - người hiệu đính cuốn sách 'Sóng thần công nghệ' chụp hình chung với các vị quan khách tham dự buổi Tọa đàm.