Giỏ hàng

Gương mặt Stalin trở lại tàu điện ngầm Moscow

 
Sau gần 60 năm vắng bóng, chân dung nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đã chính thức quay lại hệ thống tàu điện ngầm nổi tiếng của Moscow. Một bức tượng phù điêu vừa được khánh thành trong tháng này tại một nhà ga, mô tả Stalin với ánh mắt đầy suy tư, bên cạnh là những công nhân và trẻ em ngưỡng mộ, tay cầm hoa dâng tặng.
 
Bức tượng là bản sao của một tác phẩm từng bị dỡ bỏ năm 1966 trong chiến dịch phi Stalin hóa. Ngay lập tức, nó thu hút đám đông đến chụp ảnh, đặt hoa, hoặc chỉ đơn giản đứng lặng lẽ suy ngẫm. Với nhiều người, đây là dấu hiệu của một quá trình “phục hồi hình ảnh” Stalin một nhân vật vẫn gây chia rẽ sâu sắc tại Nga, 72 năm sau khi ông qua đời.
 
Trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine, Điện Kremlin đang dần tái diễn giải lịch sử nước Nga như một chuỗi chiến thắng huy hoàng và Stalin, biểu tượng của sức mạnh và kỷ luật sắt đá, trở thành công cụ tuyên truyền lý tưởng.
 
Gennady Zyuganov, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đặt hoa tại mộ Joseph Stalin vào kỷ niệm 72 năm ngày mất của ông, tại Moscow
 
Bà Liliya A. Medvedeva, một người nghỉ hưu sinh năm 1950, xúc động nói: “Tôi rất vui khi lãnh tụ của chúng ta được vinh danh trở lại. Chúng ta đã thắng cuộc chiến là nhờ ông ấy.” Dù cha bà từng bị Đức bắt làm tù binh (một điều từng bị xem là phản quốc dưới thời Stalin), bà vẫn cảm ơn vì ông không bị gửi đến trại Gulag.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Vladimir, sinh viên lịch sử 25 tuổi, không dám tiết lộ họ vì lo bị trả đũa, chỉ trích Stalin là “tên bạo chúa khát máu.” Anh đến ga tàu chỉ để quan sát phản ứng của đám đông.
 
Quả thật, di sản của Stalin là cực kỳ tàn khốc. Trong cuộc Đại Khủng Bố (Great Terror) giai đoạn 1936–1938, hơn 700.000 người bị xử tử, bao gồm sĩ quan quân đội, trí thức, người dân tộc thiểu số, nông dân và những người bị gán là “phản động.” Chính sách của ông còn gây ra nạn đói trên diện rộng ở Liên Xô, đặc biệt tại Ukraine, và cưỡng bức trục xuất toàn bộ các dân tộc như người Tatar ở Crimea.
 
Dẫu vậy, một bộ phận người Nga, đặc biệt là thế hệ cao tuổi từng trải qua giai đoạn chuyển đổi hỗn loạn sau khi Liên Xô tan rã, lại cảm thấy tiếc nuối. Họ nhớ đến Stalin như người đã mang lại trật tự và chiến thắng trước phát xít Đức, còn các vụ đàn áp, đói kém thì bị xem là “lỗi của địa phương.”
 
Theo nhà sử học kiêm nhà báo Ivan Zheyanov, từ khi ông Putin lên nắm quyền hơn 25 năm trước, ít nhất 108 tượng đài Stalin đã được dựng trên khắp nước Nga. Tốc độ còn tăng nhanh kể từ khi Nga xâm lược Ukraine năm 2022. Năm nay, một tượng Stalin đã được dựng tại Melitopol, thành phố Ukraine đang bị quân Nga kiểm soát. Tuy nhiên, không nơi nào có độ phủ sóng như bức tượng tại ga tàu điện ngầm - điểm trung chuyển giữa tuyến vành đai và tuyến tím, mỗi ngày đón hàng vạn lượt khách. Cô giáo tiếng Anh Yelena D. Roshchina, 79 tuổi, vừa đi qua vừa nói: “Chúng tôi từng quý trọng ông ấy, nhưng không nên thái quá. Mọi thứ không chỉ trắng hoặc đen.”
 
Trong nhiều năm, chính quyền Nga cố giữ thế cân bằng, công nhận tội ác thời Stalin nhưng vẫn lên án giới trí thức tự do bài-Stalin. Tổng thống Putin từng đến các địa điểm chôn cất tập thể để tưởng niệm và lên tiếng: “Quá khứ kinh hoàng đó không thể bị xóa bỏ khỏi ký ức dân tộc hay biện minh bằng cái gọi là lợi ích nhân dân.” (phát biểu năm 2017 khi khánh thành tượng đài “Bức Tường Đau Thương”).
 
Năm 2001, chính quyền Moscow thành lập Bảo tàng Lịch sử Gulag, nơi mô tả sống động hệ thống trại lao động cưỡng bức khiến khoảng 2 triệu người thiệt mạng. Nhưng từ vài năm nay, xu hướng đã đảo ngược. Năm 2014, tổ chức nhân quyền Memorial bị gán là “đặc vụ nước ngoài”, và đến cuối năm 2021 thì bị Tòa án Tối cao Nga ra lệnh giải thể.
 
Nhà nghiên cứu nghiệp dư Yuri A. Dmitriev, người phát hiện các ngôi mộ tập thể thời Stalin tại một khu rừng phía bắc, bị bắt và kết án 15 năm tù năm 2021 với cáo buộc ấu dâm — mà gia đình và bạn bè ông cho là dàn dựng. Đầu năm 2024, Bảo tàng Gulag bị đóng cửa với lý do “không đảm bảo phòng cháy”, giám đốc Roman Romanov bị bãi nhiệm và nội dung trưng bày đang được sửa đổi dưới ban lãnh đạo mới. Tháng 4 vừa qua, chính phủ đổi tên sân bay Volgograd thành “Stalingrad”, gợi nhớ trận chiến khốc liệt thời Thế chiến II và vị lãnh đạo cùng tên.
 
“Việc tái Stalin hóa âm thầm đang đe dọa cả xã hội và chính nhà nước,” ông Lev Shlosberg, chính trị gia đối lập và thành viên Đảng Tự do Yabloko, lên tiếng cảnh báo. Đảng ông cũng đã phát động kiến nghị yêu cầu tháo dỡ tượng Stalin ở ga metro.
 
Một nhóm nhà hoạt động đã liều lĩnh đặt một tấm poster có trích dẫn phát ngôn chống Stalin của chính ông Putin trước tượng đài. Bảo vệ nhanh chóng gỡ xuống, và sau đó một người tham gia bị cảnh sát bắt giữ.
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên