Startup pin xe điện bí ẩn của Mỹ, Factorial Energy gây chú ý khi hợp tác với gã khổng lồ Mercedes-Benz
13/05/25
Câu chuyện khởi nghiệp này xoay quanh Siyu Huang, nhà sáng lập đã dành trọn 10 năm để theo đuổi cuộc cách mạng pin thể rắn, một công nghệ được kỳ vọng sẽ thay đổi ngành công nghiệp ô tô.
Vào một ngày đầu tháng 1 lạnh giá, Huang nhận được video chiếc xe Mercedes lăn bánh trong trung tâm thử nghiệm kín. Với bà, đây là dấu mốc quan trọng sau một thập kỷ dày công nghiên cứu cùng chồng, Alex Yu, và đội ngũ Factorial. Họ đang phát triển pin thể rắn, hứa hẹn sạc nhanh hơn, đi xa hơn và giảm chi phí xe điện, giúp Mỹ và châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Giao thông là nguồn phát thải lớn, và xe điện với pin cải tiến có thể là giải pháp then chốt. Uwe Keller, giám đốc phát triển pin Mercedes, người gửi video, đã hỗ trợ Factorial bằng cả nguồn lực và chuyên môn. Đoạn phim cho thấy chiếc Mercedes lắp pin Factorial đang vận hành tại phòng thí nghiệm gần Stuttgart, Đức.
Thử nghiệm này đánh dấu bước tiến dài từ những ngày Huang và Yu còn là sinh viên sau đại học ở Cornell, khi mọi nghiên cứu chỉ diễn ra trong phòng thí nghiệm. Bà Huang không giấu được sự vui mừng khi phát minh của họ được đưa ra thế giới thực.
Tuy nhiên, thử thách vẫn còn ở phía trước. Chiếc Mercedes với pin Factorial chưa được thử nghiệm trên đường công cộng, nơi công nghệ sẽ đối mặt với các điều kiện vận hành thực tế. Nhiều startup đã tạo ra nguyên mẫu pin thể rắn, nhưng chưa có nhà sản xuất ô tô lớn nào của Mỹ hoặc châu Âu công khai thử nghiệm chúng trên xe để đánh giá độ bền và an toàn.
Vào cuối năm 2023, Keller đề xuất thử nghiệm thực tế với Huang. Ông chia sẻ: "Chúng tôi là những người đam mê ô tô và tin vào những thứ thực sự chuyển động."
Bà Huang, một "nữ tướng" trong lĩnh vực công nghệ vốn do nam giới chiếm ưu thế, tin rằng một giấc ngủ ngon quan trọng hơn số giờ làm việc để đưa ra quyết định sáng suốt. Bà làm việc tại văn phòng giản dị ở Billerica, nơi bằng Tiến sĩ hóa học và Thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Cornell được treo trang trọng trên tường.
Lớn lên ở Nam Kinh, Trung Quốc, bà sớm nhận thức được vấn đề ô nhiễm và nảy sinh sự quan tâm đến hóa học. "Chúng ta cần xây dựng một hành tinh tốt đẹp hơn", bà nói. Năm 2009, bà đến Cornell với 3.000 USD học bổng và nhanh chóng trở thành sinh viên xuất sắc.
Alex Yu hiện là giám đốc công nghệ của Factorial, tạo nên một công ty mang đậm dấu ấn gia đình. Ban đầu, công ty tập trung vào cải tiến vật liệu pin, nhưng hướng đi thay đổi sau khi Mercedes đầu tư năm 2021, khuyến khích Factorial tập trung vào pin thể rắn. Công nghệ này thay thế chất điện phân lỏng dễ cháy bằng chất rắn hoặc gel, giúp pin an toàn hơn, chứa nhiều năng lượng hơn và giảm chi phí.
Sự khác biệt về quy mô giữa Factorial (100 nhân viên) và Mercedes (175.000 nhân viên) là rõ ràng. Tuy nhiên, Keller nhận thấy điểm chung trong phong cách làm việc: "Factorial không phô trương, họ âm thầm làm việc."
Thách thức hiện tại là sản xuất hàng triệu pin thể rắn với chi phí hợp lý. Factorial đã trải nghiệm "địa ngục sản xuất" tại nhà máy thí điểm ở Hàn Quốc năm 2022, với tỷ lệ lỗi pin cao. Mục tiêu sản lượng lý tưởng là trên 95%, một nhiệm vụ khó khăn với các hóa chất dễ bay hơi và quy trình sản xuất phức tạp trong buồng kín.
Nhiều công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota và các startup như QuantumScape, cũng đang nỗ lực sản xuất pin thể rắn hàng loạt. Mercedes, để giảm thiểu rủi ro, còn hợp tác với ProLogium (Đài Loan).
Xiaoxi He, nhà phân tích công nghệ tại IDTechEx, nhận định rất khó để dự đoán công nghệ nào sẽ chiến thắng. Tính phức tạp trong sản xuất khiến nhiều lãnh đạo ngành vẫn hoài nghi về khả năng thương mại hóa. Cổ phiếu của nhiều startup pin thể rắn đã giảm mạnh.
Factorial chọn cách không bán cổ phiếu ra công chúng, dựa vào vốn từ các nhà đầu tư tư nhân như WAVE Equity Partners và các đối tác chiến lược như Hyundai, Stellantis (dự kiến thử nghiệm pin Factorial trên xe Dodge Charger vào năm tới) và LG Chem.
Giai đoạn đầu tại nhà máy Hàn Quốc, năng suất của Factorial chỉ đạt 10%. Bà Huang đã phải thức khuya dậy sớm để giải quyết các vấn đề liên tục phát sinh. Đến năm 2023, họ đã sản xuất đủ pin đạt yêu cầu. Keller bắt đầu nghĩ đến việc lắp pin lên xe, nhưng chi phí và rủi ro khiến ông phải xin phê duyệt từ CEO Mercedes, Ola Källenius. Cuối cùng, Källenius đã đồng ý, tin rằng một mục tiêu cụ thể sẽ thúc đẩy đội ngũ.
Đến tháng 6/2024, Factorial đã giao đủ pin chất lượng cao cho Mercedes. Tháng 11 cùng năm, nhà máy tại Hàn Quốc đạt năng suất kỷ lục 85%. Câu chuyện của Factorial, từ một startup nhỏ đến đối tác của một "ông lớn" ngành ô tô, là hành trình đầy gian nan nhưng cũng đầy hứa hẹn của những người dám kiến tạo tương lai.
shared via The NY Times,