ICEYE - Startup Phần Lan định hình lại ngành công nghệ vũ trụ toàn cầu
09/06/25
![]() |
2 nhà sáng lập ICEYE |
Trong thế giới startup đầy rủi ro và cạnh tranh khốc liệt, có những câu chuyện tưởng như viễn tưởng lại trở thành cú hích thay đổi cả ngành công nghiệp. ICEYE công ty công nghệ vũ trụ đến từ Phần Lan, là một trong những minh chứng ấn tượng nhất. Bắt đầu từ hai sinh viên với ý tưởng bị coi là hoang đường, ICEYE nay đã vận hành mạng lưới 48 vệ tinh SAR trên toàn cầu, cung cấp dữ liệu theo thời gian thực giúp các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo quan sát Trái đất 24/7, bất kể ngày đêm hay thời tiết.
Khởi đầu đầy hoài nghi: Ý tưởng điên rồ, thị trường mờ mịt
Năm 2012, Pekka Laurila và Rafal Modrzewski hai sinh viên Đại học Aalto (Phần Lan) khởi động ICEYE với một tham vọng chưa từng có: chế tạo vệ tinh radar SAR nhỏ nhất thế giới với trọng lượng chỉ 80kg, rẻ hơn rất nhiều so với các vệ tinh truyền thống nặng hàng tấn, mà vẫn giữ nguyên chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên, ý tưởng này lập tức bị xem là "không tưởng". Không ai hiểu họ làm gì. Không nhà đầu tư nào dám rót vốn. Không có tiền lệ, không có thị trường, và gần như niềm tin bằng 0.
May mắn thay, Phần Lan khi đó đang hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh. Đại học Aalto trở thành bệ phóng đầu tiên, kết nối ICEYE với các nhóm nghiên cứu và nguồn lực kỹ thuật. Business Finland cơ quan phát triển kinh tế quốc gia hỗ trợ tài chính và chuyên gia kỹ thuật. Nhờ đó, đến năm 2015, ICEYE đã gọi vốn thành công 5,6 triệu euro bước đệm quan trọng để hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên.
Vượt qua rào cản pháp lý khắc nghiệt
Công nghệ SAR (Synthetic Aperture Radar) được xếp vào nhóm “lưỡng dụng” có thể phục vụ cả dân sự và quốc phòng nên ICEYE phải vượt qua hàng loạt quy định nghiêm ngặt từ Liên minh châu Âu, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Hiệp ước Không gian Vũ trụ của Liên Hợp Quốc. Từ việc đăng ký băng tần, xin phép phóng vệ tinh đến đảm bảo mục đích sử dụng vì hòa bình ICEYE đã xây dựng nền tảng vận hành tuân thủ chuẩn mực quốc tế một cách chặt chẽ.
![]() |
Vệ tinh radar ICEYE |
Cột mốc đột phá: Vệ tinh nhỏ, sức mạnh lớn
Tháng 1 năm 2018, ICEYE tạo nên bước ngoặt: phóng thành công ICEYE-X1 vệ tinh SAR thương mại dưới 100kg đầu tiên trên thế giới. Đây là lần đầu tiên công nghệ radar vũ trụ không còn là cuộc chơi độc quyền của các siêu cường hay tập đoàn tỷ đô.
ICEYE-X1 có thể chụp ảnh bề mặt Trái đất cả ngày lẫn đêm, xuyên mây và điều kiện thời tiết xấu điều mà vệ tinh quang học truyền thống không làm được. Kể từ đó, mạng lưới vệ tinh ICEYE liên tục mở rộng, gửi về hàng nghìn hình ảnh mỗi ngày: từ vùng băng tan ở Bắc Cực đến hoạt động tàu chở dầu ở Biển Đỏ.
Cứu người trong bão tố, giúp quản lý thiên tai và đô thị
Không chỉ là một công ty công nghệ, ICEYE đã nhiều lần đóng vai trò cứu tinh trong những thời điểm sống còn:
- Khủng hoảng người tị nạn Syria: công nghệ radar giúp phát hiện tàu thuyền vượt biên trong đêm, cảnh báo sớm các trường hợp gặp nạn.
- Iceland: ảnh vệ tinh của ICEYE giúp chính quyền phát hiện sớm hoạt động địa chất và sơ tán dân cư trước vụ phun trào núi lửa.
- Philippines: một trong những quốc gia chịu thiên tai nặng nề nhất, đang triển khai vệ tinh ICEYE để theo dõi lũ lụt và rủi ro hạ tầng, hỗ trợ phản ứng sớm và phát triển bền vững.
Với ưu thế quan sát 24/7 và không bị giới hạn bởi điều kiện thời tiết, vệ tinh SAR trở thành công cụ chiến lược trong cả quản trị đô thị, bảo vệ môi trường, logistics, bảo hiểm và an ninh quốc gia.
Tăng trưởng thần tốc, được toàn cầu công nhận
Tính đến đầu năm 2025, ICEYE đã triển khai 48 vệ tinh SAR tại nhiều quốc gia: Phần Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh, Úc, Nhật Bản, UAE, Hy Lạp và Mỹ. Đội ngũ hơn 700 nhân viên, phủ khắp các châu lục. Công ty đã gọi vốn thành công 304 triệu USD, liên tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng “công ty sáng tạo nhất” và “tăng trưởng nhanh nhất thế giới” do Forbes và các tổ chức công nghệ toàn cầu công bố.
shared via ICEYE,