Bản đọc thử 'Chủ nghĩa tư bản Mỹ'
20/11/24
… Những năm 1920 có ba chủ đề nổi bật. Chủ đề thứ nhất là năng suất tăng nhanh, đặc biệt ở nửa đầu thập kỷ. Sự cải thiện năng suất thể hiện rõ nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Đến năm 1924, cứ 10 giây lại có một chiếc Ford Model T lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất. Chỉ mới chục năm trước, người ta phải mất 14 giờ để xuất xưởng một chiếc ô tô. Mức tăng năng suất cũng thấy được tại lĩnh vực phi sản xuất như trong các văn phòng với đội quân nữ thư ký trẻ (được cho là sẽ công tác tối đa với mức lương tối thiểu trước khi kết hôn) và trong chuỗi cửa hàng (vốn có điểm mạnh ở chi phí và dịch vụ hạn chế). Với việc các công đoàn ưng thuận sau những bất mãn hậu chiến và lạm phát ở mức 0, các công ty có thể thu được lợi nhuận to lớn nhờ nắm bắt những cải tiến năng suất này.
Chủ đề thứ hai là hiện đại hóa kinh tế nhờ mở rộng ngành dịch vụ và phát triển thành phố theo chiều cao.
Chủ đề thứ ba có thể coi là thú vị nhất: dân chủ hóa và phổ cập những đổi mới vĩ đại trong kỷ nguyên laissez-faire tự do kinh tế: điện, ô tô, máy bay và trừu tượng hơn là khái niệm “tập đoàn thương nghiệp”. Những năm 1920 là thập kỷ thịnh vượng với người dân cũng như các thị trường tăng trưởng quá nóng. Dân chúng Mỹ lúc ấy có thể tiếp cận những thứ từng là xa xỉ phẩm mà chỉ giới nhà giàu mới sở hữu nổi (như nhà riêng) hoặc những thứ chưa từng tồn tại những năm trước (như ô tô và đài phát thanh). Vùng ngoại ô dần lan ra; các ngôi nhà được hòa vào mạng lưới cung cấp điện-nước. Tới năm 1929, có ba triệu hộ gia đình Mỹ – tức cứ 10 hộ thì có một hộ – giữ cổ phiếu, gây ra hậu quả tai hại sau này.
… Trong cùng năm mà Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở Nga, General Electric có cuộc cách mạng khác: sự trỗi dậy của những “nô bộc điện” có thể “giúp con người tiết kiệm rất nhiều công sức cho giặt ủi, lau chùi và may vá. Chúng có thể làm mọi việc nấu nướng hộ bạn – không cần diêm, không bồ hóng, không cần than, không cãi cọ – trong một căn bếp hiện đại.” Một khảo sát do Công ty Điện lực Chicago thực hiện năm 1929 cho thấy hơn 80% cư dân có bàn ủi điện và máy hút bụi, 53% có đài phát thanh, 37% có máy nướng bánh mì và 36% có máy giặt. Lượng người sở hữu tủ lạnh (10%) và máy sưởi điện (10%) thì ít hơn nhiều.
… Hầu như không khía cạnh nào trong đời sống Mỹ những năm 1920 không bị ô tô biến đổi. Dân buôn rượu lậu dùng “xe chạy trốn” để thoát khỏi cảnh sát. Những cô gái làng chơi có nơi mới để chào hàng: trong nghiên cứu Middletown (1929), Robert và Helen Lynd nêu rằng, trong 30 thiếu nữ bị kết tội liên quan tới tình dục tại tòa án vị thành niên địa phương năm 1924, có 19 người bị bắt trong ô tô.
… Thất nghiệp nghiêm trọng nhất là ở các trung tâm công nghiệp lớn. Tại Cleveland, Ohio, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 50% năm 1933, và tại Toledo, Ohio là 80%. Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thời đại đó là Edmund Wilson miêu tả những gì mục sở thị ở Chicago – nơi được mệnh danh là “lò mổ lợn” của thế giới – trong chuyến thăm năm 1932. Ông gặp một người nhập cư Ba Lan già “đang chết dần vì một khối u, không có lò sưởi trong nhà, vào một ngày lạnh.” Ông đến thăm một khu nhà tạm bợ, nơi số người “bị lao phổi” và “viêm màng não vô cầu” nhiều đến mức không kiểm soát được và “đang trong tình trạng cực kỳ đau đớn.” Hàng trăm người đổ về một bãi rác để chờ xe chở rác đến và đào bới “bằng gậy và tay.” Họ thậm chí còn lấy cả thịt hỏng, “cắt bỏ những phần tồi tệ nhất” hoặc rắc lên chúng một ít soda. Một bà quản gia góa bụa đã tháo kính ra trước khi nhặt thịt “để không thể nhìn thấy giòi.”
… Hai “phòng thí nghiệm” năng suất nhất là nhà máy của Henry Ford tại Willow Run và xưởng đóng tàu của Henry Kaiser ở Richmond, California. Henry Ford xây dựng nhà máy khổng lồ Willow Run cách Detroit 56 km về phía tây nam để sản xuất máy bay ném bom B-24 trong chưa đầy một năm. Tại thời kỳ đỉnh cao, Willow Run có hơn 40.000 công nhân. Tiểu thuyết gia Glendon Swarthout nhận xét về nhà máy này là “rộng lớn đến mức áp đảo và điên rồ.” Charles Lindbergh gọi nó là “một dạng Grand Canyon của thế giới cơ giới hóa.” Nhà máy hoạt động ngày càng hiệu quả khi chiến tranh kéo dài: sản xuất 75 máy bay/tháng vào tháng 2 năm 1943; 150 chiếc/tháng vào tháng 11 năm 1943 và đỉnh cao là 432 chiếc/tháng vào tháng 8 năm 1944.
Nền kinh tế Mỹ có năng suất cao đến mức có thể sản xuất cả hàng tiêu dùng lẫn máy móc chiến tranh. Ở Anh và Đức, các nền kinh tế tiêu dùng gần như sụp đổ trong thời chiến. Ở Mỹ, chi tiêu tiêu dùng tăng 10,5% từ năm 1940-1944 tính theo giá trị thực. Bình dân Mỹ chi mạnh tay cho mỹ phẩm, tất chân và phim ảnh. Thậm chí, cờ bạc cũng bùng nổ: năm 1944, người hâm mộ đua ngựa đặt cược số tiền gấp 2,5 lần năm 1940. Người Mỹ thành lập nửa triệu doanh nghiệp mới trong chiến tranh và xây dựng 11.000 siêu thị mới. Kho vũ khí của nền dân chủ cũng là đền thờ của tiêu dùng đại chúng.
… Với tất cả các bàn luận về một “nền kinh tế mới” và một “kỳ tích về năng suất”, Clinton rời nhiệm sở trong trạng thái phấn khích. Trong thông điệp liên bang cuối cùng năm 2000, ông vẽ ra bức tranh của sự đồng thuận mới trong chính sách kinh tế có thể coi là bền vững như sự nhất trí hậu chiến về chủ nghĩa tư bản quản lý. “Chúng ta may mắn được sống vào thời điểm này trong lịch sử. Chưa bao giờ nước ta có được cùng lúc nhiều sự thịnh vượng và tiến bộ xã hội mà ít khủng hoảng nội bộ và mối đe dọa từ bên ngoài như thế.” Mỹ có nhiều việc làm và mức lương cao hơn bao giờ hết. Mỹ đã biến thâm hụt thành thặng dư và tăng trưởng năng suất trì trệ thành một sự bứt phá về năng suất. Mỹ cũng thay thế các quan điểm cũ kỹ (quan điểm Cộng hòa coi mọi sự can thiệp của chính phủ là vô nghĩa, và quan điểm Dân chủ cố gắng bảo vệ mọi việc làm khỏi sự thay đổi kinh tế) bằng một sự đồng thuận mới ủng hộ tăng trưởng. Mỹ đang dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ thú vị nhất thế giới: công nghệ thông tin được ứng dụng trong một loạt hoạt động ngày càng rộng rãi. “Các đồng bào Mỹ của tôi,” Clinton tuyên bố, “chúng ta đã băng qua cây cầu tiến vào thế kỷ 21.