Giỏ hàng

Mỹ xóa lỗ hổng thuế: UPS, FedEx và các hãng vận chuyển thiệt hại nặng

Sự sụt giảm trong các chuyến hàng giá trị thấp từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ có thể khiến các hãng vận chuyển như UPS, FedEx và DHL mất đi một nguồn doanh thu lớn
Chỉ mới năm ngoái, các lãnh đạo của UPS và FedEx còn hồ hởi nói về lượng hàng hóa khổng lồ đổ từ Trung Quốc sang Mỹ qua các sàn thương mại điện tử như Temu hay Shein. Carol Tomé – CEO của UPS – từng mô tả lượng hàng này là “bùng nổ”. FedEx cũng thừa nhận rằng không một hãng vận chuyển nào đủ khả năng đáp ứng hết nhu cầu vận chuyển từ Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, từ ngày 17/5/2025, cánh cửa “vàng” đó đã khép lại. Tổng thống Donald Trump chính thức chấm dứt lỗ hổng thuế từng cho phép hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan.
 
Lỗ hổng nói trên là một quy định có tên “de minimis exemption”, cho phép hàng hóa trị giá dưới 800 USD được nhập vào Mỹ mà không chịu thuế và không cần khai báo hải quan chi tiết. Nhờ chính sách này, các nhà bán hàng Trung Quốc có thể gửi hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ với chi phí cực thấp.
 
Nay, sau khi quy định bị xóa bỏ, hàng nhập từ Trung Quốc và Hong Kong sẽ bị áp mức thuế lên đến 145%. Một chiếc áo thun 10 USD có thể bị đánh thuế thêm 14,50 USD – tăng gấp rưỡi giá gốc.
 
Hệ quả là các hãng như UPS, FedEx, DHL, các hãng bay chở hàng như Atlas Air, Kalitta Air và các công ty logistics nhỏ sẽ chịu tổn thất nặng nề. Ngay cả hãng bay thương mại cũng bị ảnh hưởng vì họ cũng vận chuyển một phần các kiện hàng nhỏ này.
 
UPS thông báo rằng doanh thu từ tuyến Trung Quốc – Mỹ, tuyến đường có biên lợi nhuận cao nhất của hãng, sẽ giảm 25% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cũng công bố kế hoạch cắt giảm 20.000 nhân viên trong năm 2025 nhằm tiết kiệm chi phí, và từ chối đưa ra dự báo tài chính mới do “bất ổn kinh tế vĩ mô”.
 
CEO Carol Tomé xác nhận rằng mảng vận chuyển Trung Quốc – Mỹ chiếm 11% doanh thu quốc tế của UPS. Dù bà cho rằng UPS có thể xoay trục sang các thị trường khác như châu Âu, Úc hay Mỹ Latinh – tương tự như thời kỳ ông Trump đầu nhiệm kỳ đầu – nhưng lần này tình hình có vẻ khó khăn hơn nhiều.
 
Jay Cushing, nhà phân tích của Gimme Credit, nhận định: “Lần trước đã khó khăn rồi. Lần này còn mất nhiều thời gian hơn để thị trường hồi phục.”
 
FedEx từ chối tiết lộ tỷ trọng doanh thu từ các lô hàng dạng de minimis, chỉ nói rằng đó là một phần “thiểu số”. Phát ngôn viên Isabel Rollison nhấn mạnh FedEx có thị trường đa dạng tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
DHL – có trụ sở tại Đức – cũng cho biết hàng hóa theo diện miễn thuế chỉ là “một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng Mỹ nhận”.
 
Một trong những tay chơi lớn nhất – Temu – đã nhanh chóng thay đổi chiến lược. Hãng tuyên bố: “Tất cả đơn hàng tại Mỹ hiện được xử lý bởi các nhà bán hàng nội địa, giao từ kho trong nước.”
 
Đây là dấu hiệu cho thấy các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang buộc phải thiết lập kho bãi tại Mỹ để né thuế.
 
Ban đầu, khi lỗ hổng de minimis bị đóng, các kiện hàng dưới 800 USD sẽ phải điền đầy đủ thủ tục hải quan – điều khiến nhiều hãng vận chuyển lo ngại vì tốn công, tốn thời gian.
 
Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, chính quyền Trump bất ngờ ban hành một lệnh miễn trừ giúp giảm nhẹ thủ tục giấy tờ cho các lô hàng giá thấp. Điều này khiến một số chuyên gia lo ngại rằng hải quan Mỹ có thể sẽ khó thu đúng thuế, vì thiếu thông tin để định giá và xác định đúng loại hàng.
 
Lori Wallach – Giám đốc chương trình thương mại tại tổ chức American Economic Liberties Project – cảnh báo: “Nếu không biết chính xác hàng là gì, không thể biết được giá trị thực hay thuế suất đúng.” Tuy nhiên, theo các luật sư hải quan, thông tin chi tiết vẫn bắt buộc phải khai báo ngay cả sau khi có miễn trừ.
 
Trước khi chính sách miễn trừ được ban hành, DHL đã tạm ngừng một số chuyến hàng vì lo ngại thủ tục giấy tờ, đồng thời gặp gỡ các quan chức chính quyền Trump để bày tỏ lo ngại. Phát ngôn viên DHL, Glennah Ivey-Walker, khẳng định: “Miễn trừ này không gây cản trở đến việc thu thuế hoặc bảo vệ biên giới. Chúng tôi chỉ muốn tránh các chậm trễ không cần thiết.”
 
Ngay cả trước khi lỗ hổng bị xóa, thị trường hàng không chở hàng từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 16% tính đến giữa tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái (theo WorldACD). Derek Lossing – chuyên gia chuỗi cung ứng – dự báo: “Chúng tôi ước tính thị trường có thể mất 30–40% công suất vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ.”
 
Những hãng bị ảnh hưởng mạnh bao gồm Atlas Air, Kalitta Air, Cathay Pacific, các hãng hàng không Trung Quốc và các công ty vận tải đường không chuyên phục vụ thương mại điện tử. Riêng các hãng bay hành khách của Mỹ ít chịu ảnh hưởng hơn vì số chuyến bay sang Trung Quốc và Hong Kong vốn không nhiều.
 
Để bù đắp doanh số, các nhà bán hàng Trung Quốc được dự báo sẽ tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Âu, Úc, New Zealand và Mỹ Latinh.
 
Một số tín hiệu đã xuất hiện: các chuyến bay đến Miami – cửa ngõ vào Mỹ Latinh – đã tăng nhẹ, theo ông Lossing.
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên