Walmart hồi sinh sau 30 năm nhờ AI, vượt mặt Amazon trong cuộc đua bán lẻ hiện đại
20/05/25
![]() |
Sau ba thập kỷ bị Amazon vượt mặt vì bỏ lỡ làn sóng thương mại điện tử (TMĐT) đầu tiên, Walmart đang hồi sinh đầy ngoạn mục. Nhờ tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hiện đại hóa vận hành và logistics, Walmart đã lần đầu tiên báo lãi từ mảng TMĐT và đang tăng trưởng với tốc độ gấp đôi Amazon. Đây là cú chuyển mình lịch sử cho nhà bán lẻ từng bị xem là lỗi thời, và là tín hiệu cho thấy tương lai ngành bán lẻ đang dịch chuyển mạnh mẽ từ “siêu thị” sang “nhà kho số hóa” phục vụ thương mại điện tử.
Vào những năm 1980, kho hàng của Walmart chỉ là không gian nhỏ, chật chội, nhân viên phải kéo từng thùng hàng bằng tay, không có hệ thống tự động hay phần mềm hỗ trợ. Ngày nay, Walmart đã xây dựng những trung tâm phân phối hiện đại như nhà chứa máy bay, được trang bị băng chuyền, màn hình điều khiển và cánh tay robot tự động chọn – đóng gói hàng hóa. AI giúp Walmart tối ưu hóa cách sắp xếp hàng lên xe tải: sản phẩm dễ vỡ được đặt lên trên, hàng khẩn cấp đặt phía trước, các mặt hàng thường được mua cùng được xếp cạnh nhau. Nhờ đó, chỉ cần một vài nhân sự giám sát hệ thống máy móc, chi phí nhân công giảm đáng kể.
Khi Doug McMillon lên làm CEO đầu những năm 2010, Walmart đang trong khủng hoảng: doanh số cùng cửa hàng giảm, cổ phiếu lao dốc, mô hình đại siêu thị ngoại ô bị coi là lỗi thời. Trong khi đó, Amazon – từ một trang bán sách – đã mở rộng thành “cửa hàng mọi thứ” với giao hàng tận nhà.
Walmart khi đó vẫn phụ thuộc vào hệ thống siêu thị vật lý, gần như bỏ qua kênh online. Một sự kiện đáng chú ý là vào năm 1998, kỹ sư kỳ cựu Robert Davis đã đề xuất chiến lược TMĐT với CEO David Glass nhưng bị từ chối. Davis sau đó rời đi và gia nhập Amazon – nơi ông góp phần xây dựng nên đế chế số 1 TMĐT toàn cầu.
![]() |
CEO Doug McMillon |
Dưới thời McMillon, Walmart đã chuyển hướng chiến lược. Đến năm 2024, doanh thu tập đoàn đạt 680 tỷ USD, số nhân viên lên tới 2,1 triệu người, trở thành công ty lớn nhất thế giới về cả doanh thu và nhân lực.
Tại Mỹ, Walmart chiếm 10% chi tiêu bán lẻ (trừ ô tô) và 25% chi tiêu hàng tạp hóa. Vốn hóa công ty tăng hơn 50% chỉ trong 1 năm, đạt mốc 750 tỷ USD. Giá cổ phiếu được định giá P/E gần 40 lần, cao hơn cả Alphabet, Amazon, Apple, Meta hay Microsoft. Trong báo cáo quý I/2025, Walmart kỳ vọng doanh thu tăng 3–4%, lợi nhuận hoạt động tăng nhanh hơn, bất chấp căng thẳng chuỗi cung ứng và chiến tranh thương mại.
Theo Fortune, mảng TMĐT của Walmart lần đầu báo lãi sau 30 năm kể từ khi bước vào lĩnh vực này. Business Insider cho biết Walmart đã dẫn đầu mảng tạp hóa trực tuyến với 27% thị phần, so với 18,5% của Amazon (cuối năm 2024).
Nhờ mạng lưới hơn 4.600 cửa hàng được sử dụng như trung tâm phân phối mini, Walmart có thể giao hàng trong vòng 3 giờ đến 95% dân số Mỹ. Chiến lược “gom giao nhiều đơn quanh khu vực gần nhau” (densification) giúp giảm mạnh chi phí mỗi đơn, giữ giá rẻ và tốc độ giao cao – điều mà Amazon vẫn đang loay hoay. Khoảng 1/3 khách hàng chấp nhận trả phí để giao nhanh hơn, giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, Walmart tận dụng kho dữ liệu khổng lồ để bán quảng cáo: năm 2024 thu về 4,4 tỷ USD doanh thu quảng cáo, biên lợi nhuận 70%, đóng góp 10% lợi nhuận hoạt động, dự kiến tăng lên 16% vào năm 2027.
Theo Reuters, mảng TMĐT tại Mỹ của Walmart năm 2025 đạt tăng trưởng lợi nhuận hai con số, dù chịu áp lực thuế và gián đoạn chuỗi cung ứng. SellerApp đánh giá việc tận dụng 7.000 điểm bán để làm nơi giao hàng và cửa hàng lấy hàng giúp Walmart tránh tình trạng quá tải trung tâm phân phối – vấn đề Amazon vẫn gặp.
Euromonitor nhận định Walmart là hãng đi đầu trong phát triển mô hình “đặt online, lấy tại cửa” – xu hướng phổ biến hậu đại dịch. Cuối năm 2022, họ đã có 4.600 chi nhánh triển khai mô hình này.
Để cạnh tranh với Amazon FBA, Walmart tung ra dịch vụ Walmart Fulfillment Services (WFS) với nhiều ưu đãi hấp dẫn: phí lưu kho thấp, không phạt lưu lâu, phù hợp cả sản phẩm bán chậm. Nhờ tận dụng kho sẵn tại cửa hàng, WFS giao nhanh hơn, chi phí thấp hơn, ngày càng thu hút nhiều thương nhân chuyển về nền tảng của Walmart.
Walmart không chỉ bám đuổi, mà đang vượt Amazon trong các mảng chiến lược: logistics nhanh, tạp hóa online, mô hình omnichannel (đa kênh tích hợp). Trong khi Amazon vẫn dẫn đầu TMĐT về quy mô tổng thể, Walmart đang khai thác các điểm yếu của đối thủ, dùng mạng lưới vật lý khổng lồ để tạo lợi thế không thể bắt chước.
Trước đây, lãnh đạo Walmart từng dè dặt đầu tư online vì lo ngại TMĐT sẽ “ăn mòn” lợi nhuận bán lẻ truyền thống. Trong khi Amazon mạnh tay chi hàng tỷ USD mỗi quý để tăng trưởng, Walmart lại đắn đo vì vài chục triệu USD thua lỗ. Tư duy này khiến họ từng chậm chân, nhưng nay đã được thay đổi triệt để.
Kể từ năm 2019, chi tiêu công nghệ của Walmart đã tăng gấp đôi, đạt 24 tỷ USD năm 2024, chiếm 2/3 dòng tiền hoạt động. Họ phát triển các trợ lý AI nội bộ như “Sparky” hỗ trợ khách hàng tìm sản phẩm, và “Wally” giúp bộ phận mua hàng đưa ra quyết định nhanh hơn – thúc đẩy tốc độ TMĐT toàn hệ thống.
Với mạng lưới hàng nghìn cửa hàng bao phủ 90% dân số Mỹ trong bán kính 16 km, Walmart đang biến các siêu thị truyền thống thành trung tâm xử lý đơn online hiệu quả. Không dừng lại ở đó, Walmart còn mở sàn TMĐT cho bên thứ ba, mở rộng danh mục lên hàng trăm triệu sản phẩm, thu phí khoảng 12% giá trị giao dịch, cộng thêm 8% phí logistics nếu sử dụng kho – giao – đóng gói của Walmart.
eMarketer ước tính mảng TMĐT của Walmart Mỹ đạt trên 100 tỷ USD doanh số năm 2024, tăng trưởng 20%/năm, gấp đôi tốc độ của Amazon, và đang dẫn đầu giao hàng tạp hóa online.
Nếu trước đây Amazon là hình mẫu để Walmart học hỏi, thì nay chiều ngược lại đang xảy ra. Amazon phải mua Whole Foods năm 2017, thử nghiệm cửa hàng không thu ngân – nhưng chưa gặt hái kết quả như mong đợi.
Trong khi đó, Walmart kết hợp thế mạnh vật lý với số hóa, đang nổi lên như hình mẫu bán lẻ mới – nơi mà siêu thị không chỉ để mua hàng mà còn là “kho thông minh phục vụ TMĐT”.
shared via The Economist,