Giỏ hàng

Tương lai của Meta nằm trong tay một vị thẩm phán

Thẩm phán James E. Boasberg
 
Phiên toà chống độc quyền mang tính bước ngoặt, cáo buộc Meta thâu tóm Instagram và WhatsApp để củng cố thế độc quyền, đã chính thức khép lại.
 
Một trong những vụ kiện chống độc quyền quan trọng nhất nhằm vào quyền lực của Meta – “ông lớn” mạng xã hội toàn cầu – đã kết thúc vào thứ Ba vừa qua tại Tòa án Quận Columbia (Washington D.C.). Giờ đây, số phận của Meta – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp – đang phụ thuộc vào phán quyết của Thẩm phán liên bang James E. Boasberg.
 
Phiên toà với tên chính thức Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) kiện Meta Platforms kéo dài 6 tuần, với sự tham gia của 38 nhân chứng, bao gồm cả CEO Mark Zuckerberg. Ông bị các luật sư chính phủ chất vấn gay gắt vì chiến lược “mua hoặc triệt tiêu” khi mua lại Instagram (1 tỷ USD năm 2012) và WhatsApp (19 tỷ USD năm 2014). Chính phủ cáo buộc Meta đã vi phạm Điều 2 của Đạo luật Chống độc quyền Sherman (ra đời từ năm 1890), khi lợi dụng sức mạnh tài chính để loại bỏ các đối thủ tiềm năng.
 
FTC cho rằng Meta đã trả giá quá cao để thâu tóm Instagram và WhatsApp không phải vì tiềm năng tăng trưởng, mà để ngăn chặn sự cạnh tranh. Họ yêu cầu tòa buộc Meta phải tách khỏi hai nền tảng này – một động thái có thể làm thay đổi cục diện quyền lực ở Thung lũng Silicon và tác động mạnh tới chiến lược M&A của toàn ngành công nghệ.
 
Chính phủ đã trình lên tòa hơn 400 tài liệu nội bộ cho thấy Zuckerberg và các lãnh đạo Meta từng bày tỏ lo ngại sâu sắc về Instagram, WhatsApp và các ứng dụng mạng xã hội khác.
 
Tuy nhiên, Meta lập luận rằng thị trường công nghệ đang cạnh tranh khốc liệt với sự nổi lên của TikTok, YouTube và Snapchat. Họ cho rằng người dùng đến với Facebook hay Instagram không còn đơn thuần để kết nối bạn bè, mà chủ yếu để giải trí với nội dung video ngắn – điều khiến TikTok mới là đối thủ trực tiếp.
 
Thẩm phán Boasberg cho biết ông sẽ tập trung vào câu hỏi then chốt: Đâu là định nghĩa chính xác của “mạng xã hội”?. Khi các nền tảng ngày càng lấn sân sang giải trí, game và thương mại, việc xác định ranh giới thị trường có ý nghĩa sống còn trong việc xét xử.
 
FTC cố gắng định nghĩa thị trường theo hướng hẹp – rằng Meta chỉ cạnh tranh với các ứng dụng cho phép kết nối bạn bè, chủ yếu là Snapchat. Ngược lại, Meta đưa ra một cách nhìn rộng hơn: thị trường video ngắn nơi TikTok, YouTube, Reels đang cạnh tranh từng giây giành sự chú ý của người dùng.
 
Một quan chức FTC nhận định: “Nguyên tắc pháp lý quan trọng của vụ án là: một doanh nghiệp độc quyền không được phép mua lại những đối thủ đáng gờm nhất của mình. Luật chống độc quyền đòi hỏi cạnh tranh công bằng, và chính sự cạnh tranh ấy thúc đẩy đổi mới, tạo lợi ích cho người tiêu dùng – dù ở bất kỳ thị trường nào, kể cả kỹ thuật số.”
 
Phía Meta phản pháo rằng những gì FTC đưa ra chỉ càng chứng minh sự năng động và cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghệ, chứ không phải độc quyền.
 
Phán quyết của Thẩm phán Boasberg, dự kiến được đưa ra vào cuối mùa hè năm nay, có thể tạo tiền lệ pháp lý quan trọng: nếu FTC thắng, các tập đoàn lớn sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý lớn hơn khi thâu tóm startup – điều có thể làm “lạnh gáy” những nhà đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư đang theo đuổi chiến lược “exit qua M&A”.
 
Theo Jennifer Huddleston, chuyên gia cấp cao tại Viện Cato: “Một phán quyết có lợi cho FTC có thể tạo ra hiệu ứng lạnh, khiến các tập đoàn lớn dè dặt hơn trong việc thâu tóm công ty nhỏ hoặc thu hút nhân tài.”
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định vụ kiện của FTC khó thắng, bởi các thương vụ mua Instagram và WhatsApp đã được cơ quan quản lý phê duyệt từ nhiều năm trước. Trong khi chính phủ gọi đến 30 nhân chứng, thì Meta chỉ cần 8 người làm chứng trong 4 ngày để phản bác. Đây được coi là chiến lược cho thấy họ tự tin vào lập luận pháp lý của mình.
 
“Việc lật ngược một vụ sáp nhập đã hoàn tất từ lâu là cực kỳ khó,” – theo Sruthi Thatchenkery, Phó Giáo sư Chiến lược tại Trường Kinh doanh Owen, Đại học Vanderbilt.
 
Vụ kiện Meta chỉ là một phần trong nỗ lực toàn diện kéo dài nhiều năm của chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế sức mạnh của các ông lớn công nghệ:
  • Google đã thua 2 vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp.
  • Apple đang bị kiện vì bóp nghẹt cạnh tranh trong kho ứng dụng App Store.
  • Amazon bị FTC cáo buộc thiên vị sản phẩm của mình so với các nhà bán hàng bên thứ ba.
shared via nytimes,
 

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên