TikTok ra mắt tính năng mới “Thiền định thay vì lướt đêm”?
29/05/25
Trong bối cảnh bị cáo buộc khiến giới trẻ chìm đắm trong những cuộc “doomscroll” (lướt điện thoại vô thức) đến tận khuya, TikTok vừa tung ra một tính năng mới: “Meditation in Sleep Hours” – thiền định có hướng dẫn vào ban đêm. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm khuyến khích giới trẻ thiết lập thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh hơn.
Từ 22 giờ mỗi đêm, với người dùng dưới 18 tuổi, TikTok sẽ tự động hiển thị một màn hình màu xanh kèm nhạc nhẹ, hướng dẫn người dùng thực hiện các bước “hít vào”, “giữ”, “thở ra”; giúp họ bình tâm và đặt điện thoại xuống.
Nếu người dùng tiếp tục sử dụng sau 1 tiếng, ứng dụng sẽ hiển thị thêm một màn hình toàn trang yêu cầu họ chọn:
- Tiếp tục dùng thêm 15 phút
- Tắt thông báo trong phần còn lại của ngày
- Vào phần cài đặt để thay đổi thiết lập
Người dùng trên 18 tuổi có thể chủ động bật tính năng này từ phần cài đặt.
TikTok khẳng định đây là nỗ lực nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần, đặc biệt là giấc ngủ cho thanh thiếu niên – nhóm người dễ bị cuốn vào ứng dụng lúc đêm khuya. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại cho rằng đây là hành động mang tính “giả tạo”.“Nó làm gián đoạn thời gian quý báu của tôi trên điện thoại,” – Sabina Gilyazova, 15 tuổi, New York; “Tôi có ý chí tự do, tôi sẽ tắt nó đi thôi.”
Còn theo Dr. Yann Poncin, chuyên gia tâm thần trẻ em tại ĐH Yale, phản ứng như vậy là điều dễ hiểu: “Tuổi teen rất đề cao quyền tự chủ. Chúng nghĩ: ‘Tôi dùng TikTok khi tôi muốn, không cần ai xen vào.’”
TikTok từng thử nghiệm tính năng tương tự vào tháng 3/2025 cho người dùng dưới 16 tuổi và kết quả là 98% người dùng không tắt tính năng này trong phần cài đặt – một tín hiệu tích cực, theo quan điểm của một số chuyên gia.
Dr. Poncin nhận định: điểm mạnh của tính năng này là tạo ra lực cản (friction) khiến người dùng suy nghĩ lại: “Nó giúp ích cho những người trẻ nhận thức được rằng họ đang gặp vấn đề với việc sử dụng quá mức.”
Tuy nhiên, ông cũng không quên nhấn mạnh rằng TikTok đang chơi một “ván bài không cân sức”: “Các thuật toán này cực kỳ mạnh mẽ và mang tính gây nghiện. Nó giống như việc bạn có fentanyl ở bên phải và hoa hồng ở bên trái – nhưng bạn biết thứ gì sẽ cuốn bạn đi.”
Ngay cả những người lớn, có ý thức quản lý thời gian như dân công sở cũng không mấy tin vào hiệu quả của các công cụ kiểm soát thời gian tích hợp trong ứng dụng. “Tôi từng dùng tính năng giới hạn thời gian, nhưng khi đang lướt giữa chừng mà bị ngắt, tôi chỉ thấy bực mình.” – Chioma Chioma-Ozukwe, sinh viên đại học, 19 tuổi
Còn Siriveena Nandam, 26 tuổi, UX designer tại Washington D.C., thẳng thắn: “Thật mỉa mai khi chính những app tạo ra sự gây nghiện lại cố tỏ ra quan tâm đến việc cắt giảm thời gian sử dụng.” Dù đã thử mua ứng dụng bên thứ ba để giới hạn thời gian dùng mạng xã hội, cô cho biết không cách nào hiệu quả bằng... tránh xa điện thoại.
TikTok đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ 13 bang và quận Columbia từ tháng 10/2024, với cáo buộc rằng ứng dụng cố tình thiết kế để gây nghiện và làm tổn hại sức khoẻ tâm thần trẻ em. Những chiêu thức như tính năng thiền định ban đêm bị nhiều người cho rằng chỉ mang tính “diễn” để đối phó pháp lý.
shared via nytimes,