Giỏ hàng

Vì sao nước Mỹ thâm hụt thương mại kỷ lục? Tài chính hóa, độc quyền và cuộc khủng hoảng của sản xuất


 
Nước Mỹ đang mắc kẹt trong một chiến lược kinh tế kỳ quặc: làm giàu từ việc thổi giá tài sản tài chính thay vì xây dựng năng lực sản xuất thực tế. Hai phản ứng gần đây cho thấy sự bế tắc này: một là chính sách thuế quan của Trump, hai là cuốn Abundance của Ezra Klein và Derek Thompson – một nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa tân tự do kiểu mới. Nhưng cả hai đều né tránh cốt lõi vấn đề: nước Mỹ không còn làm ra thứ mình cần dùng.
 
1. Khủng hoảng sản xuất – không chỉ trong công nghiệp, mà cả nông nghiệp
 
- Thâm hụt thương mại của Mỹ hiện vượt 1.000 tỷ USD mỗi năm, cho thấy sự phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu.
 
- Trong đại dịch, Mỹ từng thiếu khẩu trang, áo bảo hộ đến mức phải cho y tá mặc túi rác. Đến 2024, nhiều loại thuốc và sữa bột trẻ em vẫn khan hiếm.
 
- Kể từ 2022, Mỹ – quốc gia sở hữu vùng canh tác tốt nhất thế giới – bắt đầu nhập siêu thực phẩm. 

 
 
Biểu đồ trên cho thấy, trừ hạt khô, mọi mặt hàng nông sản đều tăng nhập khẩu so với 2018.
 
Dữ liệu chỉ là một phần. Khi phỏng vấn nông dân Jeff Bender và doanh nhân Laura Modi (sữa công thức), họ đều mô tả áp lực độc quyền từ các tập đoàn phân phối và rào cản gia nhập thị trường gần như không thể vượt qua.
 
2. Kỷ nguyên “dịch vụ hóa”: Sự từ bỏ có chủ ý việc sản xuất
 
Sau thập niên 1980, Mỹ lựa chọn trở thành nền kinh tế dịch vụ. Cựu Thượng nghị sĩ Lloyd Bentsen từng viết báo cáo Plugging in the Supply Side (1980) – tài liệu định hình tư tưởng “chuyển từ sản xuất sang tài chính và công nghệ cao”. Tư tưởng ấy nhanh chóng trở thành đồng thuận hai đảng.
 
Các nhà kinh tế như Paul Krugman lập luận: “Mỹ sẽ là nền kinh tế dịch vụ dù muốn hay không” – và điều đó không có gì sai. Fareed Zakaria thì viết rằng xuất khẩu đặc trưng của Mỹ là “phần mềm, dịch vụ tài chính, giải trí và bản quyền”.
 
Trong khi đó, Ford – một biểu tượng sản xuất Mỹ – không thể điều chỉnh phần mềm ghế ngồi trên ô tô nếu chưa xin phép Bosch, nhà cung cấp module điều khiển. Tổng cộng có tới 150 nhà cung cấp phần mềm điều khiển trong mỗi chiếc xe, và Ford gọi đây là một "liên minh lỏng lẻo" (loose confederation) mà họ đang phải xây dựng lại từ đầu.
 
3. Chiến lược “sản xuất đồng đô la”: Từ nhà máy sang phố Wall
 
Kể từ sau Thế chiến II, khi nắm quyền bá chủ tiền tệ toàn cầu, Mỹ bắt đầu “sản xuất đồng đô la” thay vì sản phẩm thực; "in tiền dễ hơn uốn thép". Hệ thống tài chính dần trở thành trụ cột kinh tế, với một số đặc điểm nổi bật:
 
Từ 1989–2017, giá trị thực bình quân đầu người của cổ phần doanh nghiệp Mỹ tăng 7,2% mỗi năm. Nhưng:
 
- Chỉ 25% tăng trưởng này đến từ tăng trưởng kinh tế thực.
 
- 40% là do tái phân phối từ lao động sang cổ đông.
 
- Còn lại là do lãi suất thấp (14%) và định giá rủi ro thấp hơn (21%).
 
Ngược lại, giai đoạn 1952–1988, chỉ số cổ phần tăng ít hơn, nhưng 100% đến từ tăng trưởng kinh tế thực.
 
Nhà đầu tư Jeremy Siegel từng mô tả rõ “logic” của thâm hụt thương mại:
 
-> Khi người Mỹ mua Toyota trị giá 40.000 USD, Toyota có thể dùng số tiền đó để mua tài sản Mỹ như trái phiếu, cổ phiếu, hoặc bất động sản – từ đó giúp nâng giá tài sản Mỹ và tài trợ cho ngân sách Mỹ.
 
4. Sự trỗi dậy của sở hữu trí tuệ và chiến lược thắt cổ chai (bottleneck)
 
Thập niên 1970, những người theo chủ nghĩa tân tự do cho rằng nước Mỹ nên tập trung vào các ngành công nghiệp “bình minh” như chất bán dẫn, thiết kế công nghiệp và tài chính, thay vì những ngành truyền thống như thép hay ô tô. Những lĩnh vực cần nhà máy lớn, lao động tay chân tốn kém và gây ô nhiễm nên để các nước khác đảm nhận, còn nghiên cứu giá trị cao sẽ do Mỹ thực hiện. Một phần trong chiến lược này là việc nới lỏng/ giải điều tiết quy định tài chính – điều đến nay đã quá rõ ràng. Ví dụ điển hình là Jack Welch, người từng bước biến General Electric từ một “gã khổng lồ sản xuất” thành một “đại gia thẻ tín dụng”.
 
Và cũng tồn tại một câu chuyện song song trong các lĩnh vực “nhẹ vốn” khác. Như Erik Peinert chỉ ra, có một cuộc mở rộng mang tính cách mạng về quyền sở hữu trí tuệ, qua đó loại bỏ hàng loạt tài nguyên tri thức khỏi phạm vi công cộng.
 
- Năm 1980: Phần mềm được đưa vào luật bản quyền.
 
- Năm 1984: Chip bán dẫn được bảo hộ bản quyền.
 
- Tòa án cho phép patent hóa vi sinh vật, giống cây trồng, động vật biến đổi gen (tiền đề của Monsanto).
 
- Luật Bayh-Dole cho phép đại học sở hữu và khai thác tài sản trí tuệ từ nghiên cứu công.
 
Hệ quả là các tập đoàn như Apple có thể "sản xuất" iPhone mà không cần sở hữu nhà máy, chỉ cần kiểm soát chuỗi cung ứng qua luật sở hữu trí tuệ. Tài sản trí tuệ trở thành công cụ để dựng nên các điểm thắt cổ chai: những nơi có thể kiểm soát thị trường, nâng giá mà không cần tăng sản lượng.
 
Kết quả là:
 
- Microsoft trở thành tập đoàn có vốn hóa hàng đầu nhờ thế độc quyền phần mềm.
 
- Walmart làm sụp đổ hàng loạt cửa hàng nhỏ lẻ nhờ chính sách phân biệt giá.
 
- Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) kiếm tiền bằng cách bán bản quyền mã hóa y tế – một ví dụ về “tư bản trí tuệ” phi sản xuất.
 
5. Logic “số phải tăng” (number go up)
 
Chiến lược kinh tế “number go up” ăn sâu vào mọi tầng lớp:
 
- Lương hưu, trường đại học, ngân sách nhà nước – tất cả phụ thuộc vào thị trường tài chính.
 
- Khi Mỹ muốn trợ cấp hãng Texas Instruments để tự sản xuất chip, quỹ Elliott Management lập tức phản đối vì lo ngại giảm dòng tiền cổ đông.
 
- Trong đại dịch, nước Mỹ chỉ coi trọng Covid khi thị trường sụt giảm, cho thấy thị trường tài chính mới là “bộ não chính sách”.
 
Chiến lược doanh nghiệp ở Mỹ hiện nay xoay quanh việc dàn dựng các “nút thắt cổ chai” – bởi nếu tạo được một điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, hay nói cách khác là một trạm thu phí độc quyền hoặc một hình thức cản trở thương mại nào đó, các tập đoàn có thể nâng giá và thu lợi nhuận cao hơn. Như bài học từ đại dịch Covid cho thấy, chiến lược kinh tế của Mỹ thực chất là tạo ra chính những điểm nghẽn như vậy. Dù được thực hiện thông qua bản quyền, bằng sáng chế, chi phí vốn, sáp nhập doanh nghiệp, phân biệt giá, cản trở đối thủ gia nhập thị trường, giám sát dữ liệu, hay việc găm giữ đất đai để hạn chế xây nhà – xét trên toàn cục, việc thổi phồng giá trị tài sản tài chính chỉ làm suy yếu năng lực sản xuất. Và đó chính là mục tiêu: hạn chế nguồn cung, để tăng giá.
 
Nhưng việc chiếm đoạt tài sản quy mô lớn từ tầng lớp trung lưu, cũng như làm suy tàn năng lực sản xuất quốc gia, thực chất là một phần trong chiến lược quốc gia của Mỹ. Khi người nước ngoài đổ tiền mua tài sản định giá bằng đô la Mỹ – như cổ phiếu và trái phiếu – từng có lúc người Mỹ lo sợ rằng, chẳng hạn, người Nhật sẽ chiếm lĩnh nền kinh tế của họ. Thế nhưng điều xảy ra lại là: phố Wall tạo ra một loạt tỉ phú Mỹ nhờ việc các tài sản tài chính tăng giá. Người nước ngoài sở hữu khối lượng lớn tài sản định giá bằng đô la – nhưng giới tài phiệt Mỹ cũng thế. Từ đó hình thành một siêu tầng lớp toàn cầu có lợi ích song hành với chiến lược của Mỹ. Bill Gates, các hoàng gia dầu mỏ Ả rập, Masayoshi Son của Softbank – tất cả đã trở thành một phần của hệ thống toàn cầu này.
 
6. Hai phản ứng: Trump và Abundance – khác nhau nhưng cùng lạc hướng
 
- Trump chọn thuế quan để bảo vệ sản xuất nội địa. Ông định áp 25% thuế với ô tô và tuyên bố “giải phóng thương mại” ngày 2/4. Tuy nhiên, ông không thách thức phố Wall, mà vẫn gắn bó với tiền mã hóa, PE và bất động sản.
 
- Klein và Thompson thì cổ vũ cải cách thủ tục, nới lỏng quy hoạch – nhưng né tránh toàn bộ vấn đề về tài chính hóa, độc quyền, và sở hữu trí tuệ.
 
Cả hai hướng đều không đối đầu với nguồn gốc của khủng hoảng sản xuất: nước Mỹ đã tự thiết kế một mô hình trong đó sản xuất thua thiệt so với việc giữ giá tài sản, cả hệ thống đang vận hành trên logic “số phải tăng”.
 
7. Nước Mỹ cần một lối thoát – nhưng không ai dám vẽ
 
Cho đến nay, chưa có lực lượng chính trị nào thực sự dám thách thức “trật tự tài sản tài chính” mà Mỹ đang duy trì. Mọi thay đổi về sản xuất, về nhà ở, về công nghệ – đều bị bóp nghẹt bởi yêu cầu “phải sinh lời ngay”, “phải giữ giá tài sản”. Các chính sách công, từ y tế, giáo dục đến hạ tầng, đều bị lệ thuộc vào chỉ số chứng khoán. Đó là lý do vì sao cuộc chiến với các nhà phân phối thuốc tham lam vẫn giẫm chân tại chỗ, vì sao ngay cả những kẻ lừa đảo tiền mã hóa vẫn có “uy tín đạo đức”, và vì sao dịch Covid chỉ được coi trọng khi thị trường sụt giá.
 
Cái giá phải trả là mất mát khả năng sản xuất, phân cực giàu nghèo, và một xã hội đầy bất mãn. Cho đến khi ai đó vẽ được lối thoát khỏi “chiến lược số tăng” này, nước Mỹ sẽ tiếp tục trượt dài – và sự giận dữ xã hội sẽ ngày càng “tăng song song với tài sản tài chính”.
 
shared via big,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên