Nhật Bản: Bài học từ Toyota - Khi triết lý "Just in Time" gây khủng hoảng gạo
01/04/25
Văn hóa "Just in Time" (JIT) từng là chìa khóa thành công của Toyota và nền công nghiệp Nhật Bản. Thế nhưng nay, triết lý đáng tán dương đó lại khiến toàn quốc gia lao đao trước khủng hoảng thiếu gạo.
Trong khi giá trứng ở Mỹ leo thang, Nhật Bản lại đang đối mặt với việc giá gạo tăng đến 81% trong tháng trước. Dù vậy, Tokyo vẫn chi 2,32 tỷ USD mỗi năm để khuyến khích nông dân giảm trồng lúa. Hàng nghìn nông dân đã đổ xuống đường biểu tình, cảng làm dấy lên câu hỏi: Liệu chính sách điều hành này có còn phù hợp?
Hơn nửa thế kỷ duy trì chính sách nghịch lý
Từ những năm 1970, Nhật Bản đã áp dụng chính sách hạn chế trồng lúa, trợ cấp cho nông dân để giữ giá gạo cao và bảo đảm thu nhập. Tuy nhiên, khi nhu cầu gạo tăng do biến đổi khí hậu và lượng khách du lịch gia tăng đột biến, nó lại trở thành gánh nặng.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy, thu nhập trung bình của nông dân trồng lúa năm 2022 là 23.000 USD - không đủ để thu hút lực lượng lao động trẻ. Kết quả là mỗi năm hàng chục nghìn lao động rời bỏ nông nghiệp, ruộng lúa dàn bị bỏ hoang.
Toyota và cái giá của sự hoàn hảo
Người ta có thể tự hỏi: điều này có liên quan gì đến Toyota? Trên thực tế, triết lý "Just in Time" – nguyên tắc cốt lõi trong sản xuất của Toyota – đã ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách điều hành kinh tế Nhật Bản. "Just in Time" nhấn mạnh vào sản xuất vừa đủ, giảm tối đa hàng tồn kho và chỉ cung ứng đúng lúc cần. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu dòng tiền và tăng hiệu suất. Nhưng khi có khủng hoảng, hệ thống này không có cơ chế dự phòng, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, tương tự như những gì đang xảy ra với ngành nông nghiệp Nhật Bản.
Cú sốc từ đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ điểm yếu này. Khi nguồn cung gạo bị gián đoạn, kho dự trữ cạn kiệt, giá gạo leo thang, nhưng nông dân vẫn không thể sản xuất thêm vì các ràng buộc chính sách. Trong khi đó, các nước như Mỹ hay Liên minh Châu Âu áp dụng mô hình trợ cấp nông nghiệp linh hoạt hơn, cho phép nông dân sản xuất tự do và được hỗ trợ tài chính khi gặp khó khăn.
Tư duy kinh doanh cần thích nghi
Giáo sư Nobuhiro Suzuki từ Đại học Tokyo đã đưa ra tính toán rằng nếu Nhật Bản chuyển sang hỗ trợ sản xuất thay vì hạn chế trồng lúa, chính phủ có thể sẽ phải chi khoảng 2,65 tỷ USD mỗi năm – cao hơn mức 2,32 tỷ USD hiện tại. Tuy nhiên, đổi lại, quốc gia này sẽ có nguồn cung gạo dồi dào hơn, giảm giá tiêu dùng và đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn.
Bên cạnh đó, việc cho phép nông dân trồng lúa tự do trong khi vẫn có cơ chế bảo vệ thu nhập của họ sẽ giúp ngành này thu hút thêm lao động trẻ. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, Nhật Bản có thể phải đối mặt với viễn cảnh nền nông nghiệp lúa gạo dần biến mất, nhường chỗ cho sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nhìn rộng hơn, khủng hoảng gạo tại Nhật Bản không chỉ là vấn đề của nông nghiệp mà còn phản ánh sự cần thiết của việc điều chỉnh tư duy kinh tế. Triết lý "Just in Time" tuy hiệu quả trong sản xuất công nghiệp nhưng có thể không phù hợp với những lĩnh vực cần dự trữ chiến lược như nông nghiệp và lương thực. Để duy trì vị thế một nền kinh tế mạnh mẽ, Nhật Bản cần linh hoạt hơn trong chính sách quản lý chuỗi cung ứng, không chỉ trong ngành sản xuất mà cả trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Cuộc biểu tình của nông dân Nhật Bản không chỉ là tiếng nói của ngành nông nghiệp mà còn là hồi chuông cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách: Đã đến lúc Nhật Bản cần xem xét lại cách vận hành nền kinh tế của mình, thay đổi những tư duy cũ kỹ để thích nghi với một thế giới đang ngày càng biến động.
shared via nytimes,