Ấn Độ: Tăng trưởng lung lay vì người dân chìm trong nợ nần
15/04/25
Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP: So sánh Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi
Dù đang giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Ấn Độ đang đối mặt với một bài toán hóc búa: tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa chững lại khi tầng lớp trung lưu – lực lượng từng được kỳ vọng là động lực chính – đang chìm sâu trong nợ nần và giảm chi tiêu mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Kunal Kundu (Socíeté Générale), chỉ một bộ phận nhỏ những người giàu tại Ấn Độ đang thúc đẩy tiêu dùng, trong khi phần lớn tầng lớp trung lưu rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh, thu nhập không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt, dẫn tới xu hướng vay mượn ngày càng phổ biến.
Câu chuyện của Anurag, một cư dân ở Mumbai, là một ví dụ điển hình. Sau khi mất việc, ông phải vay mượn để duy trì cuộc sống và chi tiêu cho con cái. Với khoản nợ 13.000 USD và không còn khoản tiết kiệm nào, ông bị cuốn vào vòng xoáy tài chính tiêu cực, phải đối mặt với cả áp lực xã hội và tâm lý. Trường hợp của ông không phải cá biệt, mà là một phần trong xu hướng ngày càng phổ biến ở tầng lớp trung lưu – những người vốn từng được xem là niềm hy vọng của tăng trưởng tiêu dùng tại Ấn Độ.
Tín dụng bán lẻ bùng nổ – tiêu dùng không bền vững
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín dụng tiêu dùng – với mức tăng trưởng hơn 30% trong năm 2023 – từng được ca ngợi là dấu hiệu tích cực cho tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn khoản vay này không nhằm mục đích đầu tư hay mở rộng sản xuất, mà phục vụ nhu cầu thiết yếu hoặc thể hiện địa vị xã hội – từ mua xe máy, smartphone đến chi trả học phí. Nhiều người "vay chỗ này trả chỗ kia", tạo ra hệ lụy tài chính nghiêm trọng.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP đã tăng từ 35% năm 2020 lên 43% năm 2023. Cùng lúc, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm, trong khi lạm phát – đặc biệt là giá thực phẩm – vẫn neo cao. Kết quả là tiêu dùng nội địa, vốn chiếm hơn 60% GDP, đang bị bóp nghẹt.
Tăng trưởng giảm tốc – rủi ro dài hạn
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc tháng 3/2024 dự kiến chỉ đạt 6,5%, giảm so với mức 9,2% năm trước đó. Đây là mức thấp so với ngưỡng tối thiểu 8% mà chính phủ kỳ vọng để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047 – đúng dịp kỷ niệm 100 năm độc lập.
Mặc dù chính phủ đã có một số điều chỉnh chính sách, như giảm thuế cho tầng lớp trung lưu vào tháng 2 vừa qua, các chuyên gia cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh. Vấn đề nằm ở cấu trúc: tầng lớp thu nhập thấp – phần đáy kim tự tháp – là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tín dụng không đảm bảo, trong khi tầng lớp siêu giàu gần như không bị tác động.
Hệ lụy và cảnh báo
Các công ty quản lý nợ cá nhân như Freed hay SingleDebt ghi nhận số lượng khách hàng tăng đột biến. Một khách hàng điển hình có thể có tới 6 khoản vay với tổng nợ 6.000 USD, nhưng thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 500 USD. Điều này phản ánh một "quả bom nợ" tiềm ẩn, có thể tạo ra bất ổn tài chính nếu không được kiểm soát kịp thời.
Giấc mơ “Ấn Độ trỗi dậy” đang chịu áp lực lớn từ chính nền tảng tiêu dùng mà nó đặt cược. Nếu không tái cơ cấu chiến lược phát triển và phân phối lại thu nhập, kinh tế Ấn Độ có thể rơi vào một chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài – điều đi ngược lại tham vọng của chính phủ Modi.
shared via Financial Times,