Giỏ hàng

Robot bốn chân – bước tiến công nghệ trong đô thị hóa ở Singapore

Chó robot Spot tuần tra tại công viên Bishan-Ang Mo Kio
 
Singapore – quốc đảo công nghệ cao ở Đông Nam Á – đang dần đưa chó robot vào mọi ngóc ngách của đời sống đô thị. Không chỉ là biểu tượng công nghệ, những chú robot bốn chân này còn đảm nhiệm hàng loạt vai trò từ dẫn đường cho người khiếm thị, tuần tra bến xe, kiểm tra an toàn hạ tầng đến hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
 
Chó robot – hay robot bốn chân – bắt đầu phổ biến trên toàn cầu từ sau năm 2016, khi các công ty công nghệ tại Mỹ và Trung Quốc tung ra hàng loạt phiên bản thương mại. Từ chiến trường, nhà máy hạt nhân đến lực lượng cảnh sát, loại robot này dần trở thành công cụ đắc lực trong nhiều môi trường khắc nghiệt.
 
Tại Singapore, ngành robot đang phát triển mạnh mẽ. Theo Phó giám đốc Chương trình Robot Quốc gia (National Robotics Programme – NRP) ông Chan U-Gene, hiện có hơn 300 công ty liên quan đến robot đang hoạt động trên khắp đảo quốc, tăng mạnh so với khoảng 200 công ty vào năm 2023.
 
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng chó robot đang được sử dụng, ông Chan cho biết nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên robot có chân thay vì robot bánh xe. Lý do là robot bốn chân linh hoạt hơn, có thể leo cầu thang, vượt địa hình phức tạp, thích hợp cho môi trường đô thị.
 
Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất Trung Quốc giúp giá chó robot hiện chỉ còn khoảng 2.700 USD, thấp hơn rất nhiều so với mức hàng chục nghìn USD của gần một thập kỷ trước. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các công ty, tổ chức tại Singapore triển khai hàng loạt ứng dụng thực tế.
 
Một trong những dự án đầy tiềm năng đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là phát triển chó robot làm nhiệm vụ dẫn đường cho người khiếm thị. Nghiên cứu sinh Cai Shaojun, hiện đang làm tiến sĩ tại Viện Hệ thống Thông minh NUS, cho biết: chó robot rẻ hơn, dễ huấn luyện hơn và có thể lập trình trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các lệnh phức tạp như: dẫn chủ đến siêu thị, trạm xe buýt hay bất kỳ địa điểm nào được chỉ định.
 
Nghiên cứu sinh Cai Shaojun đi bộ cùng chó robot dẫn đường cho người khiếm thị 
 
Thực tế tại Singapore cho thấy chỉ có 9 con chó dẫn đường tính đến tháng 6/2024, trong khi có hơn 40.000 người khiếm thị hoặc suy giảm thị lực. Các chó thật hiện nay chủ yếu được tổ chức Guide Dogs Singapore huấn luyện và phân phối theo tiêu chí nghiêm ngặt.
 
Nhóm của Cai đã thử nghiệm chó robot với khoảng 10 người khiếm thị, đồng thời đang huấn luyện chúng di chuyển qua cầu thang và các địa hình phức tạp hơn. Nhóm dự định triển khai chó robot tại các công viên và nút giao thông vào cuối năm nay.
 
Song song, nhóm nghiên cứu do Phó giám đốc phòng thí nghiệm AI của NUS, ông Harold Soh, đứng đầu, đang phát triển phần mềm cho phép robot di chuyển mượt mà trong đám đông bằng cách nhận diện các tín hiệu xã hội, như hướng mắt, cử chỉ, tốc độ đi bộ của người xung quanh. Đây là bước tiến cần thiết nếu chó robot muốn trở thành một phần của giao thông và tương tác công cộng.
 
Công dụng bảo vệ an ninh của chó robot cũng đang được khai thác mạnh. Từ tháng 9/2024, tập đoàn vận tải công cộng SBS Transit đã triển khai chó robot Mars, do công ty Weston Robot phát triển, để tuần tra hàng rào bao quanh bến xe buýt Seletar.
 
Chó robot kiểm tra tàu của SBS Transit ở Singapore
 
Thông tin ghi nhận từ Mars được truyền trực tiếp về hệ thống giám sát tập trung, giúp nhân viên an ninh theo dõi từ xa. SBS Transit đánh giá robot Mars có khả năng vượt qua cỏ, lề đường, cống rãnh và cầu thang, điều mà các robot bánh xe hoặc camera cố định không thể thực hiện. Sau khi thử nghiệm thành công, công ty đang xem xét mở rộng triển khai tại các bến xe khác.
 
Spot cũng từng được triển khai tại Changi Exhibition Centre – nơi cách ly bệnh nhân F0 thể nhẹ – để phân phát thuốc, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
 
Chó robot còn thể hiện ưu thế vượt trội trong môi trường độc hại hoặc khó tiếp cận. SPock, một robot do SP Group triển khai, được giao nhiệm vụ đi cùng kỹ sư kiểm tra 6 km đường hầm ngầm để phát hiện vết nứt, độ ẩm bất thường hay các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Với bộ cảm biến hiện đại, SPock có thể phát hiện những vấn đề mà mắt người không thể thấy.
 
Cũng tại SBS Transit, robot Avatar được dùng từ tháng 7/2024 tại ga tàu điện ngầm Sengkang, chuyên kiểm tra gầm tàu, tấm chắn, bình dầu, khí rò – những thứ dễ bị bỏ sót bởi mắt thường. Tập đoàn còn nghiên cứu thêm các ứng dụng như phát hiện tay vịn hỏng, đèn tắt hay các lỗi cơ khí khác.
 
Một nhóm nghiên cứu khác tại NUS, do giảng viên cấp cao Justin Yeoh dẫn đầu, đang phát triển hệ thống chó robot kiểm tra chất lượng cầu thang trong các khu nhà ở. Robot quét từng bậc để xác định chiều cao và độ rộng có đều nhau không, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Dự án dự kiến chuyển thành công ty khởi nghiệp trong vài tháng tới.
 
Không chỉ giới khoa học hay công nghiệp, chó robot còn được các chính trị gia tại Singapore sử dụng như biểu tượng của tương lai. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, ứng cử viên Tony Tan của Đảng Tiến bộ Singapore (PSP) đã xuất hiện cùng chó robot, thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và cử tri trẻ.
 
shared via Straits Times,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên