Trận chiến giả và cuộc chiến thật: Khi giới trẻ Mỹ tái hiện chiến tranh Ukraine tại Oklahoma
28/05/25
![]() |
Khoảng 300 người đã trả tiền để tham gia "Sự sụp đổ của Salsk", một trận chiến giả giữa lực lượng NATO và Nga do MilSim West, một công ty mô phỏng quân sự, dàn dựng. |
Một buổi tối mưa giông ở Oklahoma, Mason Lowery, học sinh trung học 17 tuổi, chuẩn bị bước vào một trận chiến giả kéo dài 40 giờ với súng bắn đạn nhựa. Dù dự định gia nhập quân đội Mỹ sau khi tốt nghiệp, Mason lại mặc bộ quân phục và cầm khẩu súng giống hệt lính Nga đang chiến đấu và hi sinh tại Ukraine.
“Em cũng không rõ họ đang chiến đấu vì điều gì. Em chỉ biết là họ đang đánh nhau,” Mason nói, “Đôi khi em xem các đoạn video quay bằng drone trên Instagram.” Mason và khoảng 300 người khác đã bỏ ra khoảng 250 USD mỗi người để tham gia một sự kiện mang tên MilSim West - viết tắt của “Military Simulation West”. Đây là một mô phỏng chiến trường thực tế, nơi người chơi chia thành hai phe NATO và Nga, sử dụng súng bắn đạn nhựa, đạn giả, kính nhìn đêm và hiệu ứng cháy nổ để tái hiện chiến tranh giả tưởng kéo dài gần hai ngày.
Trận chiến không đặt trong bối cảnh Ukraine. Nó diễn ra tại nước Nga giả tưởng, nơi Tổng thống George W. Bush đang tại vị nhiệm kỳ thứ sáu và kêu gọi NATO xâm lược Nga. Một trò chơi chiến tranh kỳ lạ nhưng lại phản chiếu đầy ẩn ý về cuộc chiến đang thực sự diễn ra ngoài đời thật.
![]() |
Những người đàn ông đóng vai lực lượng NATO chuẩn bị bước vào trận chiến giả định cuối cùng vào ngày cuối cùng của cuộc mô phỏng quân sự. |
Từ thú vui tái hiện lịch sử đến mô phỏng chiến tranh đương đại
Mỹ vốn có truyền thống tái hiện các trận đánh lịch sử như Nội chiến hay Thế chiến II. Nhưng mô phỏng một cuộc chiến đang diễn ra đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng là một xu hướng mới đầy tranh cãi.
Josh Warren và Brian Clarkson thành lập MilSim West vào năm 2011, thời điểm không ai nghĩ Nga sẽ xâm lược Ukraine. Nhưng sau sự kiện năm 2022, quy mô công ty không những không giảm mà còn phát triển mạnh mẽ, với hàng chục sự kiện mỗi năm, thu hút từ vài trăm đến hơn một ngàn người tham gia.
Dù Warren - một cựu binh Mỹ - khẳng định đây chỉ là trò chơi giả tưởng, nhưng thực tế nhiều người chơi lại chọn đồng phục, huy hiệu và súng mô phỏng theo đúng mô hình quân đội Nga ngoài đời thực.
Đồng phục từ chiến trường Ukraine: Từ “trophies” đến thị trường cosplay
Nhiều người chơi mua đồ từ các trang như AliExpress. Nhưng một số lại tìm đến các cửa hàng quân nhu chuyên bán “trophy” – chiến lợi phẩm chiến tranh, bao gồm đồng phục, balô, thậm chí cả mũ sắt, được lấy từ các chiến trường ở Ukraine.
Một nhà bán lẻ người Nga gốc Ukraine cho biết anh thu gom thiết bị từ những vị trí bị bỏ lại, xe bị phá huỷ hay từ kho dự trữ thời tiền chiến. Các món đồ này sau đó được vận chuyển đi khắp thế giới cho giới chơi airsoft.
Tại Mỹ, một cửa hàng bán đồ Nga thu gom từ Ukraine cho biết họ cố gắng “nhập hàng có đạo đức”, tránh các món đồ dính máu hay dấu tích thương vong. Nhưng thực tế, nhiều nhà nhập khẩu không truy rõ nguồn gốc sản phẩm. “Cũng giống như bán hamburger khi khan hàng, có người đưa thịt đến thì chẳng ai hỏi nhiều làm gì,” nhân viên cửa hàng ví von.
Ranh giới mong manh giữa giải trí và chiến tranh thật
Không phải ai cũng thấy thoải mái với điều đó. Shawn Prosen, 36 tuổi, từng là lính biệt kích Ranger ở Afghanistan và nay làm hướng dẫn viên trận địa tại MilSim, thẳng thắn phản đối việc mặc đồng phục chiến lợi phẩm. “Tôi nói thẳng với mấy cậu trẻ cuộc chiến này là thật, không phải game trên mạng.”
Prosen đồng thời là thành viên nhóm Rushing Russians một cộng đồng airsoft nghiêm túc, với gần 30 chi nhánh tại Mỹ, Canada, Mexico và Chile. Họ nổi tiếng về kỷ luật quân phục, thể lực cao và quan tâm sát sao đến tình hình chiến sự Ukraine.
Trò chơi, hay phản chiếu một thời đại?
Trong trận “Fall of Salsk”, Mason xuất hiện với ký hiệu “Z” dán trên ba lô – biểu tượng ủng hộ chiến tranh do Nga sử dụng ở vùng chiếm đóng Ukraine. Gần 40 người chơi thuộc nhóm Rushing Russians được Prosen kiểm tra kỹ lưỡng về trang bị, nước uống, thực phẩm, sẵn sàng “tác chiến” giữa cơn mưa tầm tã.
Bầu không khí chẳng khác nào một doanh trại thật, xen lẫn tiếng cười và những câu nói như từ game Call of Duty. Một người chơi còn đùa bằng giọng Nga giả: “Tôi đến từ Texas Oblast” – cố tình trộn bang Texas với cách gọi tỉnh thành kiểu Nga.
Arturo Wells, 18 tuổi, nói cậu từng theo dõi chiến tranh Ukraine nhưng bỏ cuộc vì... quá chán nản. “Sống vui còn hơn phải buồn vì chiến tranh.”
![]() |
Những người tham gia lực lượng NATO đang trở về căn cứ của họ tại một nhà bắn súng trong cơn giông bão |
Kết thúc trong bùn lầy và gió bão
Trận chiến kéo dài gần hai ngày kết thúc trong mưa đá, lũ quét và cả lốc xoáy. Nhiều người bỏ cuộc giữa chừng. Trong giờ phút cuối cùng, Michael Walworth, 26 tuổi, dẫn đầu đội Rushing Russians xông lên, ướt sũng và mệt mỏi, với lá cờ Novorossiya – biểu tượng của vùng ly khai do Nga hậu thuẫn – tung bay phía sau.
“Khi MilSim West bắt đầu, lính Nga vốn đã là ‘phe ác’ mặc định rồi,” Walworth nói. “Và tôi nghĩ điều đó sẽ còn tiếp tục - kể cả khi chiến tranh ngoài đời kết thúc.”
shared via nytimes,