AI Mỹ rẽ sóng sang Trung Đông
16/05/25
![]() |
Chuyến công du ngoại giao lớn đầu tiên ra nước ngoài của Tổng thống Trump |
Trong chuyến công du kéo dài ba ngày tới Trung Đông, Tổng thống Donald Trump cùng các đặc phái viên công nghệ từ Thung lũng Silicon đã viết lại vị thế công nghệ của khu vực Vịnh Ba Tư. Chỉ trong vài ngày, họ đã biến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ một thị trường non trẻ về trí tuệ nhân tạo (AI) thành trung tâm dữ liệu đang lên của thế giới.
Tâm điểm là hợp đồng cung cấp hàng trăm ngàn con chip AI từ Nvidia mỗi năm cho UAE, bắt đầu từ 2025. Theo ba nguồn tin quen thuộc với thỏa thuận, phần lớn chip sẽ được chuyển đến các nhà cung cấp đám mây của Mỹ để phục vụ khách hàng ở châu Phi, châu Âu và châu Á. Khoảng 100.000 con chip sẽ thuộc về G42 – công ty AI lớn nhất của UAE. Cùng lúc, Mỹ cũng ký các hợp đồng trị giá hàng tỷ đô với Saudi Arabia, bao gồm cả chip từ AMD, và đang đàm phán về một thỏa thuận AI lớn hơn nữa.
Thỏa thuận với UAE bao gồm việc xây dựng một trung tâm AI khổng lồ tại Abu Dhabi, sử dụng 5 gigawatt điện, quy mô lớn nhất thế giới ngoài Mỹ. Tuy chi tiết về chip chưa được công bố chính thức và có thể thay đổi, đây vẫn được xem là bước ngoặt trong việc chuyển giao hạ tầng AI hàng đầu ra nước ngoài.
Điều đáng chú ý là thương vụ diễn ra trong bối cảnh Trump và gia đình nhận được hơn 2 tỷ USD đầu tư từ Trung Đông trong tháng qua, bao gồm khoản đầu tư từ Saudi Arabia vào dự án tiền mã hóa của ông và kế hoạch mua máy bay tổng thống mới từ Qatar.
Chính quyền Trump cho rằng đây là bước đi khôn ngoan để mở rộng ảnh hưởng của công nghệ Mỹ. Các kiến trúc sư của thỏa thuận – như David Sacks (Trưởng ban AI) và Sriram Krishnan (Cố vấn AI cấp cao) – đều là cựu VC dày dạn kinh nghiệm từ Silicon Valley. Họ cho rằng Mỹ sẽ giành phần thắng nếu xây dựng được mạng lưới đối tác toàn cầu.
“Chúng tôi muốn AI của Mỹ lan rộng toàn cầu,” ông Krishnan khẳng định.
![]() |
Các quốc gia trên thế giới đã xếp hàng để mua chip Nvidia và ký kết thỏa thuận với các nhà cung cấp A.I. của Mỹ |
Các ông lớn công nghệ như Sam Altman (OpenAI) và Jensen Huang (Nvidia) cũng tham gia các cuộc đàm phán bên lề. Họ tin rằng việc hợp tác với Trung Đông sẽ tạo thêm nhu cầu cho công nghệ Mỹ, mở rộng thị phần, tăng doanh thu, và thậm chí giúp duy trì vị thế dẫn đầu.
Tuy nhiên, trong nội bộ chính quyền Mỹ, phản ứng không hề đồng thuận. Chín cựu và đương kim quan chức bày tỏ lo ngại rằng: những thỏa thuận này có thể không đủ biện pháp bảo vệ để tránh công nghệ rơi vào tay Trung Quốc. Trung tâm dữ liệu AI lớn nhất thế giới có thể nằm tại UAE vào năm 2029, thay vì trên đất Mỹ.
“Mỗi trung tâm dữ liệu xây ở nước ngoài là một trung tâm không được xây trong nước. Nghĩa là ít việc làm hơn, ít thu thuế hơn, và ít ảnh hưởng hơn cho Mỹ,” một quan chức giấu tên nhận định.
Lý do lớn khiến các công ty Mỹ tìm đến Trung Đông là thiếu năng lượng và thủ tục rườm rà trong nước. Theo J.J. Kardwell, CEO công ty cung cấp hạ tầng dữ liệu Vultr, Mỹ chỉ có thể cung cấp 50 megawatt điện/năm – tương đương 25.000 chip Nvidia. Trong khi đó, vùng Vịnh có thể hỗ trợ 100.000 chip trở lên, nhờ dầu mỏ và hệ thống hành chính linh hoạt. Ngay cả OpenAI cũng đang phải hạn chế tính năng tạo hình ảnh động vì thiếu hạ tầng phục vụ người dùng.
Dưới áp lực từ các quan chức lo ngại, UAE và Saudi Arabia đã đề xuất cơ chế đầu tư đối ứng: Mỗi trung tâm dữ liệu Mỹ xây ở Trung Đông sẽ được bù lại bằng đầu tư tài chính vào trung tâm tại Mỹ. Đồng thời, họ cam kết bảo mật vị trí và mục đích sử dụng chip, đảm bảo không bị chuyển giao trái phép. Chính quyền Trump cũng thiết lập một nhóm giám sát chung, đồng thời cam kết đơn giản hóa quy trình đầu tư của UAE vào Mỹ.
shared via nytimes,