Giỏ hàng

Nhật Bản nợ gấp đôi quy mô nền kinh tế: Bài toán chi tiêu công và nguy cơ vỡ trận tài khóa

Nhật Bản từ lâu đã sử dụng chi tiêu dựa trên nợ để giải quyết các thách thức của đất nước
 
Với khoản nợ công gần 9.000 tỷ USD, tương đương hơn 200% GDP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế phát triển có tỷ lệ nợ cao nhất thế giới. Trong suốt nhiều năm, chi tiêu công dựa vào vay nợ với lãi suất thấp là công cụ để xử lý những bài toán dài hạn: từ hỗ trợ nông dân, vực dậy nông thôn đang suy tàn, cho tới ứng phó với đại dịch và gần đây là bảo vệ người tiêu dùng trước lạm phát.
 
Tuy nhiên, thời kỳ vay nợ dễ dàng đang dần khép lại. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu từ bỏ chính sách lãi suất âm, khiến chi phí vay nợ của chính phủ tăng mạnh. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn chạm mức kỷ lục, phản ánh lo ngại ngày càng lớn của giới đầu tư về khả năng thanh toán nợ của chính phủ. Phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 40 năm hôm thứ Tư còn ghi nhận cầu yếu đáng kể.
 
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm
 
Thủ tướng Shigeru Ishiba đã phải cảnh báo tại một cuộc họp nội các về "nỗi kinh hoàng của lãi suất cao", thậm chí so sánh tình hình ngân sách của Nhật với Hy Lạp – quốc gia từng rơi vào khủng hoảng nợ công năm 2009.
 
Dù vậy, phần lớn các chuyên gia đều nhận định Nhật Bản chưa đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính ngay lập tức, bởi phần lớn nợ do BOJ và các định chế tài chính trong nước nắm giữ. Tuy nhiên, tín hiệu đèn vàng đã nhấp nháy. Cựu Thứ trưởng Tài chính Koji Yano cảnh báo rủi ro xếp hạng tín dụng của Nhật có thể bị hạ, giống như Mỹ mới đây, khi nợ công vượt quá ngưỡng chịu đựng của thị trường.
 
Cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới đang tạo thêm áp lực lớn lên chính phủ Ishiba. Các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ đang kêu gọi cứu trợ. Người dân, vốn đang chịu sức ép từ lạm phát, đòi giảm thuế tiêu dùng.
 
Trong bối cảnh đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đứng trước bài toán hóc búa: tiếp tục chi tiêu để duy trì ổn định xã hội hay siết chặt tài khóa để tránh một cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai?
 
Từ trước tới nay, chính sách chi tiêu dàn trải từ trung ương xuống địa phương đã giúp chính phủ Nhật giữ vững ổn định xã hội, tránh làn sóng dân túy như ở Mỹ hay châu Âu. Hệ thống an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các khoản trợ cấp vẫn chảy đều đặn về nông thôn – dù những khu vực này đang suy giảm dân số nhanh chóng.
 
Nhưng giờ đây, Nhật Bản bắt đầu xuất hiện những rung chuyển mang màu sắc dân túy, đặc biệt tại các đô thị. Sự hồi sinh của lạm phát trong 3 năm gần đây khiến người lao động hợp đồng ngắn hạn – vốn có thu nhập thấp hơn nhân viên chính thức – gặp nhiều khó khăn. Theo chuyên gia Tobias Harris từ Japan Foresight, dân túy ở Nhật là một hiện tượng đô thị, chứ không phải nông thôn như ở phương Tây.
 
Sự bất mãn đang dồn vào những người kêu gọi siết chặt chi tiêu. Trong năm qua, hàng nghìn người đã biểu tình trước Bộ Tài chính ở Tokyo, yêu cầu hủy bỏ thuế tiêu dùng và giải tán Bộ này – vốn là đầu mối thúc đẩy kỷ luật tài khóa.
 
Trong khi đó, các đảng đối lập đã đưa ra hàng loạt đề xuất cắt giảm thuế, đặc biệt là hoàn tác đợt tăng thuế năm 2019. Tuy nhiên, ông Ishiba kiên quyết phản đối, tạo ra chia rẽ trong nội bộ LDP. Một phe theo chủ nghĩa tài khóa mở rộng, dẫn đầu bởi bà Sanae Takaichi – người từng suýt giành ghế lãnh đạo LDP – kêu gọi chính phủ đề xuất cắt giảm thuế để giành phiếu bầu. Bà cáo buộc ông Ishiba “đầu hàng” khi từ chối sử dụng lá bài thuế để tranh cử.
 
Nguồn: Getty
 
Ông Koji Yano, trong một bài viết năm 2021 khi còn đương chức, từng ví chính sách chi tiêu hiện tại của chính phủ là “thảm họa”, như một con tàu lao vào tảng băng”. Dù bị chỉ trích nặng nề – bao gồm cả từ bà Takaichi – ông Yano vẫn khẳng định: khi nợ vượt ngưỡng, thị trường sẽ phản ứng, lãi suất sẽ bùng nổ, và chính phủ không còn đường lui.
 
Thực tế, nợ liên bang của Mỹ hiện ở mức 100% GDP, và một dự luật giảm thuế đang được Quốc hội Mỹ thảo luận có thể đẩy con số này lên 130%, là một trong những lý do khiến Moody’s vừa hạ tín nhiệm của Mỹ. Nhưng so với tỷ lệ hơn 200% GDP của Nhật Bản – duy trì suốt 5 năm qua – mức nợ của Mỹ vẫn là nhẹ nhàng.
 
Ngay cả những nhà kinh tế không quá “diều hâu” về tài khóa cũng bắt đầu đồng thuận rằng Nhật Bản phải bắt đầu cắt giảm chi tiêu, chỉ khác nhau ở thời điểm.
 
Leif Eskesen, chuyên gia kinh tế trưởng tại CLSA, cho rằng kịch bản Hy Lạp khó xảy ra với Nhật trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng yếu, chi phí y tế và lương hưu tiếp tục tăng, cùng lãi suất đi lên sẽ khiến chi phí trả nợ ngày càng nặng nề. Ông kết luận: “Nhật Bản cần bắt đầu thực thi thật sự các cam kết cải tổ tài khóa.”
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên