Giỏ hàng

Trung Quốc tìm cách thay thế nông dân Mỹ bằng nông dân Nam Mỹ

Thuế quan là "mối đe dọa đến lối sống hiện tại của chúng ta", Heather Feuerstein, được chụp tại trang trại của bà gần Grand Rapids, Mich. Ảnh: Taylor Ballek/ The New York Times
 
 
Cây đậu nành – loại nông sản nhỏ bé nhưng cực kỳ quan trọng – đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Với hàm lượng chất béo và protein cao, đậu nành là nguồn thức ăn chủ yếu cho gia súc toàn cầu. Và Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ.
 
Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu hơn 27 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc, đạt giá trị 12,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần qua, những mức thuế quan mới cao ngất ngưởng do Mỹ và Trung Quốc áp đặt đã đẩy mối quan hệ thương mại này vào nguy cơ đổ vỡ. Giá đậu nành Mỹ bị đội lên 135% khi Trung Quốc trả đũa bằng chính sách thuế mới nhằm vào nông sản Mỹ.
 
Các nông dân Mỹ như Heather Feuerstein – chủ sở hữu một trang trại gần Grand Rapids, Michigan – đang đối mặt với nguy cơ mất đi khách hàng lớn nhất. “Chúng tôi quen đối phó với thời tiết xấu, sâu bệnh và máy móc hỏng hóc. Nhưng thuế quan thì là mối đe dọa thật sự với sinh kế của chúng tôi,” bà nói.
 
Trong khi đó, các nông dân Brazil và Argentina lại đứng trước cơ hội lớn. Hai quốc gia Nam Mỹ này hiện sản xuất 52% lượng đậu nành toàn cầu, trong đó riêng Brazil chiếm 40%, so với 28% của Mỹ. Khi Trung Quốc buộc phải tìm nguồn cung thay thế, Brazil nghiễm nhiên trở thành lựa chọn số một.
 
Theo Neusa Lopes, giám đốc điều hành tại Girassol Agrícola, bang Mato Grosso – vùng trồng đậu nành lớn nhất Brazil – giá một bao đậu nành 130 pound đã tăng khoảng 10%, lên mức 21 USD so với tháng trước. "Nếu họ không thể mua từ Mỹ, họ sẽ phải mua từ Brazil, và phải trả giá cao hơn," bà Lopes nhận xét.
 
Mặc dù mùa thu hoạch ở Nam Mỹ đã gần kết thúc, với 75% sản lượng đã được bán ra, các nông dân còn tồn kho vẫn đang tận dụng cơ hội, hoặc giữ hàng chờ giá còn tăng cao hơn. Theo André Nassar, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Dầu thực vật Brazil, nếu chiến tranh thương mại kéo dài, khuynh hướng thay thế hàng Mỹ bằng hàng Brazil sẽ càng rõ rệt.
 
Lịch sử cho thấy điều này không phải là mới: trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời Trump từ năm 2017, nhập khẩu đậu nành Brazil vào Trung Quốc đã tăng 35% lên 72,5 triệu tấn/năm, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 14% xuống còn 27 triệu tấn/năm.
 
Lần này, lợi thế của Brazil còn lớn hơn: Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hạ tầng logistic tại Brazil suốt một thập kỷ qua – từ nhà kho, đường sắt đến cảng biển. Một dự án tiêu biểu là cảng Santos – lớn nhất Mỹ Latinh – với khoản đầu tư gần 500 triệu USD do Cofco, tập đoàn thực phẩm quốc doanh Trung Quốc, tài trợ. Đây sẽ trở thành cảng lớn nhất của Cofco ngoài Trung Quốc.
 
Đồng thời, quan hệ song phương đang được hâm nóng: tuần qua, Phó bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc đã gặp gỡ giới chức Brazil, và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva chuẩn bị sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới.
 
Ở chiều ngược lại, nông dân Mỹ gần như không có nhiều lựa chọn. Việc chuyển đổi cây trồng ngay lập tức là bất khả thi, vì họ đã đặt mua hạt giống, phân bón, và chuẩn bị máy móc từ trước. Các tổ chức như Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ và Hiệp hội Đậu nành Mỹ đang cố gắng mở rộng thị trường tại Ấn Độ, Ai Cập và Mexico, cũng như phát triển các ứng dụng mới cho đậu nành như sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhưng để thay thế thị trường Trung Quốc, có thể phải mất cả thập kỷ.
 
Trong cuộc chiến thương mại trước, chỉ gói cứu trợ nông nghiệp trị giá 23 tỷ USD của chính phủ mới cứu được nông dân Mỹ khỏi sụp đổ hoàn toàn. Hiện nay, chính quyền Trump đang cân nhắc một gói hỗ trợ tương tự, nhưng chưa có gì đảm bảo bù đắp đủ thiệt hại.
 
“Chúng tôi rất biết ơn khoản hỗ trợ khẩn cấp năm đó,” bà Feuerstein nói. “Nhưng nó không thể làm cho trang trại của chúng tôi toàn vẹn trở lại – và nó đã giết chết thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi.”
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên