Samarium – Vũ khí thầm lặng trong cuộc chiến chuỗi cung ứng quân sự giữa Trung Quốc và phương Tây
11/06/25
![]() |
Lockheed Martin là tập đoàn sử dụng samarium lớn nhất nước Mỹ, lắp đặt khoảng 50 pound nam châm vào mỗi máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: Victor R. Caivano/Associated Press |
Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu về samarium – kim loại đất hiếm ít được biết đến nhưng lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là sản xuất máy bay chiến đấu, tên lửa và bom thông minh.
Nút thắt tử huyệt trong chuỗi cung ứng quân sự
Ngày 4/4 vừa qua, Bắc Kinh bất ngờ siết chặt xuất khẩu bảy loại đất hiếm, trong đó có samarium, cùng các loại nam châm làm từ chúng. Trung Quốc tuyên bố động thái này là để “bảo vệ an ninh quốc gia” và “thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Tuy vẫn cấp phép nhỏ giọt cho một số ngành công nghiệp dân sự như ô tô, nhưng các ứng dụng quân sự gần như bị chặn đứng – đặc biệt là samarium, kim loại gần như chỉ được dùng trong thiết bị quân sự.
Đáng chú ý, toàn bộ sản lượng samarium của thế giới đều đến từ Trung Quốc. Mỹ không có nguồn cung nội địa và đã từng lên kế hoạch xây hai nhà máy sản xuất samarium, nhưng cả hai đều bị hủy vì lý do thương mại. Hậu quả là nước Mỹ giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc – đúng vào thời điểm kho vũ khí của phương Tây đang cạn kiệt do chiến sự ở Ukraine, Gaza và căng thẳng tại eo biển Đài Loan.
Vì sao samarium quan trọng đến vậy?
Khác với các loại nam châm khác, nam châm samarium-cobalt chịu được nhiệt độ cực cao mà không mất từ tính – lý tưởng cho các bộ phận trong không gian hẹp, chịu nhiệt lớn như mũi tên lửa hay động cơ phản lực.
Ví dụ, mỗi chiếc máy bay F-35 của Lockheed Martin sử dụng khoảng 50 pound samarium – tương đương 22,7kg. Lockheed là khách hàng lớn nhất của samarium tại Mỹ, nhưng khi được hỏi, công ty chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn rằng họ “liên tục đánh giá chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu”.
Vấn đề không mới, nhưng chưa từng cấp bách đến vậy
Từ những năm 1970, phương Tây đã biết đến rủi ro khi phụ thuộc vào một nhà máy duy nhất tại Pháp chuyên xử lý samarium từ quặng Úc. Tuy nhiên, nhà máy này đóng cửa năm 1994 vì lý do môi trường và chi phí sản xuất không thể cạnh tranh với Trung Quốc – nơi thành phố công nghiệp Baotou ở Nội Mông nổi tiếng là trung tâm đất hiếm với tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo.
Sau sự kiện Trung Quốc cắt toàn bộ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật năm 2010, Mỹ chi 1 tỷ USD để tái khởi động mỏ đất hiếm duy nhất tại nước này – mỏ Mountain Pass, bang California. Tuy nhiên, mỏ này ban đầu không xử lý samarium mà chỉ tập trung vào các kim loại khác. Kết quả là Mỹ vẫn "tay trắng" trước Trung Quốc về nguồn cung kim loại này.
Những nỗ lực dang dở của Mỹ
Tập đoàn MP Materials tiếp quản mỏ Mountain Pass năm 2018 và nhận khoản hỗ trợ 35 triệu USD từ Lầu Năm Góc để phát triển dây chuyền xử lý samarium. MP đầu tư thêm 100 triệu USD vốn tự có để mua thiết bị. Tuy nhiên, do thị trường samarium quá nhỏ, công ty không bao giờ lắp đặt dây chuyền – toàn bộ thiết bị hiện vẫn nằm trong kho lưu trữ.
Trong khi đó, công ty Lynas Rare Earths (Úc) cũng nhận 351 triệu USD từ chính quyền Biden để xây nhà máy xử lý samarium tại Texas. Song dự án không bao giờ khởi công, do giấy phép khai thác ở Malaysia bị đình trệ rồi lại được gia hạn, khiến Lynas ưu tiên sản xuất tại châu Á.
Trung Quốc siết thêm luật – Đòn chí tử cho các nhà thầu quân sự Mỹ
Trước đây, các công ty Trung Quốc xuất khẩu samarium dưới dạng tiền chất, pha trộn với cobalt rồi bán cho các hãng làm nam châm – tránh được lệnh cấm trực tiếp với nhà thầu quân sự Mỹ. Nhưng với quy định mới, giấy phép xuất khẩu chỉ cấp khi xác định rõ "người dùng cuối". Nghĩa là nếu nam châm samarium dùng cho Lockheed Martin hay Raytheon, khả năng cấp phép gần như bằng không.
Điều này đặc biệt đáng lo khi Trung Quốc vừa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên các nhà thầu Mỹ vì cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Các lệnh này cấm mọi tổ chức Trung Quốc có liên hệ tài chính với những nhà thầu bị nêu tên.
Bài toán chiến lược: Khai phá, chế biến và... ai chịu lỗ?
Mặc dù samarium hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng việc khai thác và xử lý cực kỳ phức tạp: cần hơn 100 quy trình hóa học với axit cực mạnh để phá vỡ liên kết. Chính vì thế, chỉ Trung Quốc – với quy mô, giá rẻ và tiêu chuẩn môi trường dễ dãi – mới duy trì được lợi thế tuyệt đối.
Ông James Litinsky, CEO của MP Materials, thừa nhận họ chỉ sẵn sàng triển khai dây chuyền samarium nếu nhận được các hợp đồng có điều khoản tài chính ưu đãi hơn. “Chúng tôi cảm thấy mình đã bị bỏ rơi,” ông nói.
Lời cảnh báo từ chuỗi cung ứng toàn cầu
Samarium là bài học cảnh tỉnh mới nhất cho phương Tây về những “nút thắt tử huyệt” trong chuỗi cung ứng công nghệ cao và quốc phòng. Với chiến lược “vũ khí hóa nguyên liệu thô” của Trung Quốc ngày càng rõ rệt, các nước phương Tây đứng trước một lựa chọn không dễ: tiếp tục phụ thuộc, hoặc chấp nhận chi phí cao để tự chủ, dù lỗ cũng phải làm.
shared via nytimes,