Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cuộc chiến chuỗi cung ứng toàn cầu
04/06/25
![]() |
Công nghệ động cơ phản lực cung cấp năng lượng cho máy bay chủ yếu đến từ các công ty Hoa Kỳ |
Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn nguy hiểm hơn: từ việc đánh thuế qua lại sang kiểm soát các chuỗi cung ứng chiến lược toàn cầu. Đây là giai đoạn chiến tranh không chỉ dừng lại ở thương mại, mà ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp chủ chốt toàn cầu, từ hàng không, ô tô đến chất bán dẫn và năng lượng.
“Đòn gió” từ khoáng sản hiếm: Vũ khí chiến lược của Trung Quốc
Sau khi chính quyền Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc lên mức 145% vào tháng 4, Bắc Kinh đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm loại khoáng sản tối quan trọng trong chế tạo động cơ máy bay, xe điện, và thiết bị quốc phòng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA):
- Trung Quốc khai thác 70% đất hiếm toàn cầu, nhưng lại xử lý 90% lượng đất hiếm thế giới.
- Trung Quốc sản xuất hơn 80% pin toàn cầu, hơn 70% xe điện, và gần 50% thép, sắt, nhôm toàn cầu.
Hậu quả đến ngay lập tức: Ford phải đóng cửa tạm thời một nhà máy tại Chicago vào tháng 5 vì thiếu nam châm – linh kiện chứa đất hiếm, do nhà cung cấp không thể nhập được từ Trung Quốc.
![]() |
Nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn gắn kết chặt chẽ qua Thái Bình Dương |
Mỹ phản công bằng kiểm soát công nghệ
Mỹ không ngồi yên. Chính quyền Trump tạm ngừng cấp phép xuất khẩu các công nghệ hàng không, phần mềm thiết kế chip, và công nghệ sinh học sang Trung Quốc. Mục tiêu là kiềm chế các nỗ lực công nghiệp hóa cao cấp của Bắc Kinh bao gồm cả nỗ lực sản xuất máy bay cạnh tranh với Boeing, vốn đang phụ thuộc vào công nghệ từ GE Aerospace (Mỹ).
Chưa dừng lại, Mỹ đang cân nhắc đưa các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu vào “entity list” danh sách đen cấm giao thương với doanh nghiệp Mỹ. Song song, Mỹ thúc đẩy việc xây dựng chuỗi cung ứng thay thế: đẩy nhanh việc tài trợ khai thác đất hiếm trong nước, dù quá trình này mất trung bình 29 năm để phát triển một mỏ, theo S&P.
Chiến lược tách rời tốn kém và đầy rủi ro
Sau các đợt áp thuế đầu tiên từ năm 2018, nhiều công ty Mỹ đã chuyển nhà máy sang Việt Nam, Mexico. Về phần mình, ông Tập Cận Bình tăng cường đầu tư để tự chủ sản xuất chip, tấm năng lượng mặt trời, xe điện. Tuy nhiên, hai nền kinh tế vẫn đan xen sâu sắc: mỗi năm vẫn có hàng trăm tỷ USD hàng hóa qua lại giữa hai bờ Thái Bình Dương.
Đặc biệt, ngành chip - cốt lõi cho AI và quốc phòng - là mặt trận “nóng”: Mỹ đã xây dựng hệ thống kiểm soát xuất khẩu chip toàn cầu từ 2022. Các quy định này còn áp lên cả công ty nước ngoài nếu sản phẩm của họ sử dụng công nghệ Mỹ. Dù gây phản ứng, nhiều quốc gia vẫn buộc phải tuân theo.
Chạm trán ở Geneva: thỏa thuận tạm thời không xóa được căng thẳng
Tháng 5, hai bên gặp nhau ở Geneva để giảm căng thẳng. Mỹ đồng ý giảm thuế, còn Trung Quốc tuyên bố sẽ “gỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan” áp lên Mỹ từ tháng 4.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, mức xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc vẫn chưa trở lại bình thường. Trên CNBC, đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer tố Trung Quốc “cố tình trì hoãn thực thi thỏa thuận”. Ông Trump thì thẳng thừng tuyên bố: “Trung Quốc đã hoàn toàn vi phạm thỏa thuận với chúng tôi”. Bắc Kinh phản pháo rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, đặc biệt là sau khi Washington tuyên bố việc sử dụng chip Huawei “ở bất kỳ đâu trên thế giới” cũng vi phạm luật Mỹ – động thái gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Rủi ro lan rộng và dài hạn
Tình hình càng căng thẳng khi Mỹ đe dọa thu hồi hàng loạt thị thực sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là những người có liên hệ với Đảng Cộng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ lo lắng khi thấy các đối tác châu Âu lại được ưu tiên cấp phép nhập khẩu khoáng sản hơn họ. Theo Paul Triolo, chuyên gia tại Albright Stonebridge Group, hệ thống cấp phép xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc hiện rất rối rắm, khiến nhiều công ty lo ngại không thể sản xuất liên tục trong thời gian tới.
Daniel H. Rosen, nhà sáng lập Rhodium Group, đưa ra lời cảnh báo: để thoát khỏi sự lệ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc, Mỹ cần chi hàng trăm tỷ USD đầu tư. Đồng thời, Washington cũng phải bắt tay với các đối tác trên toàn cầu để xây dựng nên những chuỗi cung ứng thay thế. Ông khẳng định: "Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước."
shared via nytimes,