Cái giá của sự hài hòa
03/04/25
Một phụ kiện nhỏ dành cho violin tưởng chừng như chẳng mấy liên quan đến địa chính trị toàn cầu, nhưng khi cơn bão thương chiến Mỹ–Canada ập đến, nó lại trở thành lát cắt sắc lẹm cho thấy doanh nghiệp nhỏ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi lớn. Từ một xưởng sản xuất tại Ottawa, câu chuyện của Kun Shoulder Rest mở ra nhiều suy ngẫm cho giới doanh nhân về tính kết nối, sự chủ động và nghệ thuật sinh tồn trong thời đại bất định.
Khi chính quyền Trump khởi động cuộc chiến thương mại nhằm "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", không ai nghĩ rằng một doanh nghiệp gia đình 10 người sản xuất phụ kiện violin tại Ottawa (Canada) lại bị cuốn vào làn sóng thuế quan toàn cầu. Kun Shoulder Rest, với sản phẩm giá tựa vai dành cho nhạc công violin, trở thành ví dụ điển hình cho “thiệt hại phụ” trong các chính sách lớn.
Với hơn 1/3 sản phẩm xuất sang Mỹ, Kun đang đối mặt nguy cơ sống còn nếu mức thuế nhập khẩu 25% được áp dụng. Nhưng đó mới chỉ là một nửa vấn đề. Phần còn lại đến từ phản ứng của chính phủ Canada: những đòn thuế đáp trả lên nguyên liệu nhập từ Mỹ – bao gồm loại nylon đặc biệt thiết yếu với sản phẩm của Kun. “Chúng tôi sẽ lãnh đòn kép,” Giám đốc Juliana Farha nói, và nhấn mạnh điều nghịch lý: chính sách này không bảo vệ ngành sản xuất Mỹ mà chỉ mở rộng đường cho hàng nhái Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.
Lịch sử công ty bắt đầu từ thập niên 1970, khi cha dượng của bà Farha – một người tị nạn từ Tiệp Khắc – phát minh ra phiên bản hiện đại của giá tựa vai violin. Kể từ đó, sản phẩm của Kun trở thành lựa chọn phổ biến trong giới biểu diễn chuyên nghiệp tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, những gì Kun đang trải qua cho thấy một điều rõ ràng: sự bất định chính sách chính là chất độc thầm lặng. Dù tạm thời được miễn thuế nhờ thỏa thuận thương mại USMCA, công ty vẫn phải xoay xở từng bước – từ tìm nguồn nylon thay thế ở châu Âu (với điều kiện phải mua đủ dùng 5 năm), đến chuyển hướng tìm giấy bao bì ngoài Mỹ. Nhân viên làm việc hai ca mỗi ngày, tăng ca cuối tuần để tích trữ hàng trước giờ G.
“Thanh gươm Damocles đang treo lơ lửng trên đầu chúng tôi,” bà Farha nói. “Với tôi, vấn đề lớn nhất là sự bất định.”
Câu chuyện của Kun là một lời nhắc tỉnh táo cho giới doanh nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ: trong một thế giới ngày càng gắn kết, không ai đứng ngoài các cuộc xung đột thương mại hay thay đổi chính sách toàn cầu. Chuỗi cung ứng không còn là chuyện hậu cần – mà là trung tâm của chiến lược sống còn.
Với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, sự chủ động không chỉ nằm ở tối ưu chi phí, mà còn ở việc xây dựng năng lực thích nghi, tư duy kịch bản và quản trị rủi ro theo thời gian thực. Và đôi khi, như với Kun, nghệ thuật sinh tồn cũng cần một chút… nghệ thuật.
shared via nytimes,