Tinh hoa giản dị: Nghệ thuật của đồng hồ chỉ giờ dành cho quý ông lịch lãm
03/04/25
Giống như việc một nghệ nhân làm bánh chỉ cần bột, nước, men và một chút muối để tạo ra hàng trăm loại bánh mì, hay một nhạc công blues chỉ cần ba hợp âm và năm nốt nhạc để mở ra cả một vũ trụ âm thanh, những chiếc đồng hồ chỉ giờ – dù đơn giản đến mấy – lại là thử thách đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Đồng hồ chỉ giờ (time-only watch) là những chiếc đồng hồ không có bất kỳ chức năng phụ nào ngoài việc hiển thị thời gian. Loại hai kim (two-hander) chỉ có kim giờ và kim phút, còn loại ba kim (three-hander) có thêm kim giây. Nhưng chính sự giản lược này mới là điều khiến việc chế tác chúng trở nên cực kỳ khó khăn. Như Paul Boutros – Giám đốc bộ phận đồng hồ khu vực châu Mỹ của nhà đấu giá Phillips – chia sẻ: “Tạo ra một chiếc đồng hồ chỉ giờ cân đối, đẹp mắt, mang dấu ấn riêng và đạt chất lượng đỉnh cao là điều cực kỳ khó. Nhưng khi đeo lên tay, cảm giác thật sự rất khác biệt.”
Một trong những quyết định đầu tiên khi thiết kế loại đồng hồ này là: có nên có kim giây hay không? Nếu có, nên đặt ở giữa như kim giờ, kim phút (center seconds), hay đặt ở mặt phụ nhỏ (sub-seconds)? Theo Guido Terreni, CEO của Parmigiani Fleurier, kim giây trung tâm mang dáng dấp thể thao, còn kim giây phụ thì cổ điển hơn, gợi nhớ đến đồng hồ bỏ túi xưa. Thậm chí, có những thương hiệu như Parmigiani chọn lược bỏ hẳn kim giây – như mẫu Tonda PF Micro-Rotor – để đạt đến sự cân bằng tinh tế giữa sang trọng và thể thao.
Lịch sử đồng hồ chứng kiến không ít tuyệt phẩm chỉ giờ đã trở thành biểu tượng: Cartier Tank (1917) với thiết kế hai kim hình chữ nhật nhỏ gọn, được coi là chiếc đồng hồ cổ tay đầu tiên làm thế giới rời bỏ đồng hồ bỏ túi. Hay Patek Philippe Calatrava Ref. 96 (1932) – ba kim với mặt số phụ – mẫu mực của sự tối giản, tinh tế đến từng đường nét.
Ngày nay, dù đồng hồ không còn là vật phẩm xa lạ, nhưng sức hút của những mẫu chỉ giờ lại càng mạnh mẽ. Tiêu biểu là Rexhep Rexhepi, nghệ nhân gốc Kosovo, từng tạo nên những siêu phẩm phức tạp như Tourbillon Chiming Jump Hour, nhưng chính chiếc đồng hồ ba kim Chronomètre Contemporain (2018) mới giúp ông ghi dấu ấn. Năm 2024, một chiếc trong loạt đầu tiên đã được bán với giá hơn 1,5 triệu USD – gấp hơn 20 lần giá gốc.
Tương tự là câu chuyện của Qin Gan – nghệ nhân độc lập tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Sau nhiều năm chế tác đồng hồ cơ kỳ công, ông ra mắt mẫu Pastorale II (giá khoảng 46.000 USD) với thiết kế ba kim, kim giây phụ. Mẫu đồng hồ nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới sưu tầm, danh sách đặt hàng kéo dài hơn ba năm.
Dù đơn giản về chức năng, đồng hồ chỉ giờ đòi hỏi độ tinh xảo tuyệt đối về tỷ lệ, cảm quan và sự cân đối. Một chiếc đồng hồ quá dày hay nặng nề sẽ mất đi sự thanh thoát vốn có. Geoff Hess – Giám đốc bộ phận đồng hồ toàn cầu của Sotheby’s – lấy ví dụ về chiếc Grandmaster Chime của Patek Philippe với 20 chức năng, dù bán được 5,6 triệu USD nhưng lại “không thật sự để đeo hằng ngày”.
Trong khi đó, Philippe Dufour Simplicity – mẫu đồng hồ chỉ giờ được giới sưu tầm khao khát – vẫn là đỉnh cao về sự hoàn hảo. Một chiếc Simplicity mới đây được bán với giá 685.800 USD, dù giá gốc chỉ khoảng 35.000 USD.
Đối với những nhà chế tác như Edouard Meylan của H. Moser & Cie, đồng hồ chỉ giờ lý tưởng đến mức thậm chí... không cần logo. Ông muốn người ta nhận ra một chiếc Moser chỉ qua hình dáng và cảm nhận. “Bạn cần tìm sự cân bằng: đúng kích thước, đúng chiều cao, đúng bộ máy – và trên hết là đúng cảm giác,” ông chia sẻ.
Với các quý ông tinh tế, đồng hồ chỉ giờ không chỉ là một cỗ máy đo đếm thời gian. Đó là tuyên ngôn về gu thẩm mỹ, sự hiểu biết – và quan trọng hơn cả – là cái chất thanh lịch đến từ sự tinh giản tột cùng.
shared via nytimes,