Giỏ hàng

Chatbot trị liệu đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng: Therabot

Ảnh chụp màn hình máy tính từ cuộc trò chuyện với Therabot
 
Trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Mỹ – nơi chỉ khoảng 1/3 dân số sống tại khu vực có đủ nhà trị liệu để đáp ứng nhu cầu địa phương, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Dartmouth vừa thực hiện điều tưởng như viễn tưởng: phát triển một chatbot trị liệu bằng AI có thể giúp người dùng giảm trầm cảm, lo âu và rối loạn ăn uống.
 
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của một "AI trị liệu" đã được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng New England Journal of Medicine - AI, với kết quả rất khả quan. Người tham gia trò chuyện với Therabot trong 8 tuần đã có giảm 51% triệu chứng trầm cảm, đồng thời nhiều người bị lo âu ở mức độ vừa đã cải thiện xuống mức nhẹ, thậm chí dưới ngưỡng chẩn đoán. “Vấn đề lớn nhất là chúng ta không có đủ nhà trị liệu. Chúng tôi đang thiết kế một phương pháp điều trị có thể mở rộng đến tất cả mọi người,” – Nick Jacobson, phó giáo sư tại Dartmouth và trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
 
Therabot không phải là nỗ lực đầu tiên. Mô hình AI đầu tiên mà nhóm phát triển vào năm 2019 đã rơi vào trầm cảm, phản hồi với người dùng bằng những câu như: “Tôi không muốn ra khỏi giường. Tôi chỉ muốn mọi thứ kết thúc.” Mô hình tiếp theo rập khuôn theo kiểu trị liệu lỗi thời: liên tục đổ lỗi cho cha mẹ người dùng chỉ sau vài câu hỏi.
 
Không hài lòng, nhóm nghiên cứu quyết định tạo mới hoàn toàn bộ dữ liệu huấn luyện cho chatbot, mất 3 năm và hơn 100 người để xây dựng một "hồ sơ trị liệu" gồm hàng trăm kịch bản và phản hồi dựa trên bằng chứng lâm sàng.
 
Tuy Therabot chưa được so sánh trực tiếp với các nhà trị liệu con người trong thử nghiệm này (nhóm đối chứng là những người không nhận bất kỳ điều trị nào), nhiều chuyên gia cho rằng kết quả vẫn đáng tin cậy và nhiều hứa hẹn.
 
Một điểm đáng chú ý là mối quan hệ giữa người dùng và chatbot rất mạnh mẽ – yếu tố được coi là “liên minh trị liệu”, và là một trong những chỉ báo tốt nhất cho hiệu quả của trị liệu tâm lý. “Dù là trị liệu tâm động học hay hành vi nhận thức, bạn cần có kết nối giữa người trị liệu và thân chủ. Và người dùng đã có kết nối ấy với Therabot,” – bác sĩ John Torous, giám đốc khoa tâm thần kỹ thuật số tại Beth Israel Deaconess Medical Center nhận xét.
 
Nhiều người dùng đặt biệt danh cho bot (như "Thera"), thậm chí nhắn tin suốt cả ngày chỉ để “trò chuyện một chút.” Một số người bày tỏ tình cảm yêu mến với Therabot, và chatbot phản hồi một cách chuyên nghiệp để giữ cuộc trò chuyện tập trung vào cảm xúc của người dùng: “Bạn có thể mô tả điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy không?”
 
Therabot được lập trình để giữ ranh giới an toàn trong trị liệu, như tự động chuyển hướng người dùng đến đường dây nóng khi phát hiện dấu hiệu tự tử hay tự hại. Trong giai đoạn thử nghiệm, tất cả tin nhắn đều được con người xem lại trước khi gửi, nhưng nhóm phát triển cho rằng về sau bot có thể hoạt động độc lập nếu đảm bảo tuân thủ quy tắc trị liệu. “Nếu người dùng không thể kết nối với con người, một kết nối ‘parasocial’ (một chiều) với máy móc đôi khi vẫn tốt hơn là không có gì cả,” – GS. Munmun De Choudhury, chuyên gia tại Georgia Tech nói.
 
Nhóm nghiên cứu đang hướng tới được phê duyệt bởi cơ quan quản lý y tế để Therabot có thể được sử dụng chính thức như một công cụ hỗ trợ điều trị tâm lý, đặc biệt với những người không tiếp cận được trị liệu truyền thống. Họ cũng hình dung chatbot này sẽ trở thành “trợ lý 24/7” cho các nhà trị liệu con người, giúp bệnh nhân xử lý cảm xúc ngay tại thời điểm xảy ra, không phải chờ đến buổi hẹn mỗi tuần.
 
“Bạn không thể luôn ở bên bệnh nhân lúc họ cần. Nhưng chatbot có thể làm điều đó. Nó đi theo bạn vào thế giới thực.” – bác sĩ Michael Heinz, đồng tác giả nghiên cứu.
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên