Giỏ hàng

Khi lập trình viên Amazon trở thành “công nhân dây chuyền” thời đại AI

 
Tại Amazon, một số kỹ sư phần mềm cho biết công việc của họ đang dần giống như công nhân trong kho hàng: tốc độ cao, ít suy nghĩ sáng tạo, và mọi thứ đều hướng tới năng suất tối đa dưới sức ép của trí tuệ nhân tạo (AI).
 
Từ thời kỳ cách mạng công nghiệp, mối lo “máy móc thay thế con người” luôn hiện hữu. Tuy nhiên, thực tế không phải là việc mất việc ngay lập tức, mà là sự “giáng cấp” công việc biến những công việc đòi hỏi kỹ năng cao thành chuỗi các thao tác lặp lại, đơn giản và dễ kiểm soát. Điều này đang lặp lại với nghề lập trình khi AI bắt đầu len lỏi vào mọi ngóc ngách của công việc kỹ thuật. Thay vì sa thải hàng loạt, nhiều công ty đặc biệt là Amazon đang thay đổi cách các kỹ sư phần mềm làm việc: nhanh hơn, ít thời gian suy nghĩ hơn, và tăng áp lực sản lượng đầu ra.
 
Một nghiên cứu gần đây từ Microsoft và ba trường đại học cho thấy lập trình viên sử dụng Copilot - trợ lý mã hóa AI có năng suất tăng hơn 25% ở một chỉ số quan trọng. Không có gì ngạc nhiên khi các ông lớn công nghệ xem AI như một “dây chuyền sản xuất” mới.
 
Tại Amazon, CEO Andy Jassy nhấn mạnh trong thư gửi cổ đông rằng AI tạo ra “lợi tức lớn” nhờ cải thiện năng suất và giảm chi phí. Jassy nhấn mạnh, tốc độ là yếu tố sống còn, và AI đang “thay đổi các chuẩn mực”, đặc biệt trong lĩnh vực viết mã. Ba kỹ sư Amazon tiết lộ rằng trong năm qua, họ bị thúc ép mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng AI. Một kỹ sư chia sẻ, nhóm của anh giờ chỉ còn một nửa quy mô so với năm trước, nhưng sản lượng code phải giữ nguyên — nhờ AI.
 
Amazon phản hồi rằng họ thường xuyên xem xét lại nhân sự các nhóm và sẽ bổ sung nếu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thay thế con người.
 
Không chỉ Amazon, các công ty công nghệ khác cũng đang “chuẩn hóa” AI trong công việc kỹ thuật:
  • Shopify tuyên bố AI là “yêu cầu tối thiểu” trong hiệu suất làm việc, và sẽ đưa câu hỏi về mức độ sử dụng AI vào đánh giá hiệu suất cá nhân.
  • Google tổ chức một cuộc thi hackathon nội bộ, trong đó một hạng mục là phát triển công cụ AI giúp tăng năng suất cá nhân. Đội thắng giải sẽ nhận 10.000 USD.
  • Google cũng tiết lộ hơn 30% số dòng mã của họ hiện được AI gợi ý và được lập trình viên chấp nhận.
Tuy AI giúp loại bỏ các tác vụ nhàm chán và nâng cao hiệu suất, nhưng nhiều kỹ sư cho rằng họ đang mất dần “quyền kiểm soát nghề nghiệp” và khả năng suy nghĩ sâu sắc về sản phẩm mình tạo ra. “Trước đây một tính năng có thể mất vài tuần để hoàn thành. Giờ chỉ có vài ngày.” — một kỹ sư Amazon chia sẻ.
 
Việc này chỉ khả thi khi sử dụng AI để tự động hóa việc viết mã, và cắt giảm các cuộc họp brainstorm hay phản biện. Điều này đồng nghĩa với việc giảm mạnh thời gian “suy tư” — vốn từng là phần cốt lõi của nghề lập trình.
 
Một kỹ sư nói rằng công cụ AI mới có thể viết cả đoạn chương trình dài một cách “đáng sợ”. Dù vậy, nhiều người vẫn dè dặt sử dụng do cần kiểm tra kỹ, đồng thời muốn giữ lại sự kiểm soát trong công việc. “Viết code thú vị hơn đọc code. Nhưng với AI, phần lớn thời gian là đang đọc lại.” - Simon Willison, blogger và lập trình viên kỳ cựu.
 
Hình ảnh các lập trình viên đang được so sánh với công nhân kho hàng — vốn đã quen với các robot mang kệ hàng đến tận tay, giúp họ không cần di chuyển nhưng lại làm công việc trở nên lặp lại và mệt mỏi hơn. Tương tự, việc dùng AI để hỗ trợ viết mã, kiểm thử và thậm chí viết memo (bản ghi nhớ kỹ thuật) đang khiến lập trình viên Amazon cảm thấy mình như người ngoài trong chính công việc của mình.
 
Một kỹ sư lo ngại việc AI kiểm thử phần mềm sẽ khiến các kỹ sư trẻ không còn cơ hội học hỏi kỹ năng cần thiết để thăng tiến. Tuy nhiên, Amazon khẳng định vẫn duy trì các hoạt động cộng tác và thử nghiệm, đồng thời coi AI là công cụ bổ trợ năng lực kỹ sư, chứ không thay thế.
 
Harper Reed - cựu CTO chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama — thừa nhận AI có thể khiến con đường thăng tiến của kỹ sư trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc “hiểu sâu từng dòng code” không còn quan trọng như trước. “Cũng như nhà máy hiện đại không cần công nhân đo thủ công từng góc độ, phần mềm giờ cũng không cần kỹ sư hiểu từng chi tiết nhỏ.” - Harper Reed
 
Mặt tích cực là AI có thể giúp “dân prototype” hiện thực hóa ý tưởng rất nhanh chóng. Simon Willison nói rằng AI là “món quà trời cho” nếu bạn cần tạo ra một bản mẫu minh họa ý tưởng mới. Nhiều kỹ sư Amazon hiện đã tham gia nhóm “Amazon Employees for Climate Justice” - không chỉ vì lo ngại môi trường, mà còn là nơi thảo luận những căng thẳng nội tại như việc dùng AI hay các quy định trở lại văn phòng.
 
Eliza Pan - cựu nhân viên Amazon và phát ngôn viên nhóm - cho biết nhiều kỹ sư đang lo lắng cho “chất lượng công việc và cả tương lai sự nghiệp của họ”. Dù chưa có dấu hiệu lập nghiệp đoàn, nhưng lịch sử ngành công nghiệp Mỹ từng chứng kiến phong trào công đoàn nổ ra chính vì tốc độ làm việc bị đẩy lên quá cao. Như cuộc đình công năm 1936 tại General Motors từng xuất phát từ điều này. “Công nhân không còn được tự do quyết định nhịp độ công việc như trước.” - sử gia Sidney Fine
 
shared via nytimes,

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên